Chỉ nhân giống bằng kie mới cho đúng hoa đột biến
Hội thảo Phát triển hoa cây cảnh – ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tổ chức mới đây, GS.TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, một số ý kiến gần đây nói có thể nuôi cấy mô lan đột biến để cho ra đời những cây lan đột biến rất rẻ, chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng là không có cơ sở. Công nghệ nhân nuôi cấy mô có thể tạo ra hàng loạt cây con mà không đòi hỏi tiêu chí khắt khe như lan đột biến. Nếu để sản xuất hoa lan công nghiệp như hồ điệp, hoàng thảo cắt cành, thạch hộc tía… không cần đòi hỏi khuôn bông mặt hoa chi tiết thì nuôi cấy mô rất tuyệt vời. Nhưng nếu để chơi đúng theo tiêu chí như lan đột biến thì chỉ có phương pháp nhân bằng kie là đảm bảo tối ưu chuẩn mực nhất vì nó có đầy đủ các yếu tố di truyền và sức sống cây, giữ nguyên các đặc điểm của cây mẹ.
“Chính tôi khi bắt đầu lai 2 dòng lan khác nhau, nhân giống bằng nuôi cấy mô thì kết quả là sai cây và sai hoa. Cho nên tôi khẳng định, không nuôi cấy mô nhân giống được hoa lan đột biến. Có thể tạo ra rất nhiều loại hoa đột biến nhưng để tạo ra hoa lan đột biến họng sạch, cánh trắng, mũi tuyết, tai ngang… như giới chơi lan hiện nay thì không thể tạo ra được bằng nuôi cấy mô”, GS.TS Trần Duy Quý cho biết thêm.
Cần giám định gene để biết lan đột biến ở đâu?
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, người có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về hoa lan, bảo lưu quan điểm có thể tạo ra hàng loạt lan đột biến bằng nuôi cấy mô, với giá thành rẻ. Công nghệ nuôi cấy mô hiện đại hiện nay không tạo ra biến dị, tốt hơn nhiều hoa giâm cành. Khi xử lý trong phòng thí nghiệm, không sử dụng hóa chất độc hại, dùng chất điều tiết sinh trưởng ở giới hạn an toàn… không ảnh hưởng gì đến hoa lan. Với phương pháp nhân giống vô tính trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học từ lâu đã chứng minh được rằng nó không làm thay đổi đặc tính của cây con so với cây mẹ ban đầu. Do đó, nếu cây lan phi điệp con được nhân từ một đoạn cành hoặc một mô của cây lan phi điệp mẹ đột biến, thì vẫn có thể cho ra hàng vạn cây con giữ nguyên hoàn toàn đặc tính của cây mẹ.
Đồng quan điểm này có GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, PGS.TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM... và nhiều nhà khoa học khác.
GS.TS Nguyễn Quang Thạch, chuyên gia hàng đầu về nuôi cấy mô, Viện Công nghệ Sinh học, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần làm minh bạch vấn đề, lan đột biến là đột biến ở đâu, các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được. Tại sao các cơ quan, viện nghiên cứu không nghĩ ra việc đó để làm. Chỉ cần lấy mấy cái lá cây lan đột biến đó, không cần phải phá hủy cả cây để làm phân tích, với kinh phí khoảng 100 - 200 triệu đồng là có thể thực hiện được ngay. Sau khi làm rõ được bản chất của nó rồi thì tha hồ dán nhãn, đặt tên. Còn giờ cứ nói suông là lan đột biến, nhưng đột biến gì, đột biến ở đâu thì lại không có bằng chứng, khiến thị trường nhiễu loạn.
Còn về muôi cấy mô, nhân kie hay nuôi cấy mô đều là nhân giống vô tính, kết quả hoàn toàn giống nhau, không có gì sai khác. Cây nuôi cấy mô nếu làm đúng, không quá lạm dụng chất điều tiết sinh trưởng, không quá lạm dụng số lần cấy chuyển... thì chắc chắn không khác gì nuôi bằng kie. Còn về giá cả, đồ hiếm thì quý, quý thì đắt tiền. Khi đã nhân nuôi nhiều lên thì giá sẽ giảm đi. Ai muốn đầu tư phải rất lưu ý, sau này không hiếm nữa thì lan 20 tỷ đồng chỉ có giá 20.000đ cũng là bình thường.