Số người nhập viện vì bệnh nặng... tăng
Trời lạnh, tuy số lượng người đi khám ở các bệnh viện giảm nhưng số người nhập viện vì bệnh nặng, đặc biệt là tim mạch, hô hấp... lại tăng đột biến.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong đợt rét trước số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ tăng từ 15 - 30%. Đột quỵ không chỉ gặp ở người già mà có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân dưới 18 tuổi đã bị bệnh này liên quan đến các nguy cơ tăng huyết áp, hút thuốc béo phì.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, sự thay đổi nhiệt độ, trời lạnh gây co mạch làm tăng huyết áp và gây đột quỵ. Theo tính toán cứ tăng 1mm thủy ngân thì sẽ tăng 7% tỷ lệ đột quỵ, tai biến, tử vong.
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Người già sức để kháng kém nên khi gặp lạnh đột ngột, cơ thể khó lấy lại được cân bằng, dễ nhiễm khuẩn đường hô hấp nhất là bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính dễ dẫn tới tử vong (khó thở, đờm đặc). Viêm phổi ở người già thường nặng và điều trị khó hơn, nhưng triệu chứng lại thường không rõ ràng, nhiều cụ chỉ hơi ho, mệt mỏi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng khi nhập viện đã trong tình trạng viêm đường hô hấp, viêm phổi bội nhiễm rất nặng...
Hơn nữa, khi trời trở lạnh, nhiệt độ giảm thấp, cần lưu ý bởi có nhiều bệnh sẽ trở nên nặng hơn, có nguy cơ biến chứng nguy hiểm gồm: Tăng huyết áp, hen phế quản, COPD (gây co thắt phế quản, dễ suy hô hấp), bệnh viêm xoang, viêm mũi, đau dạ dày, đau các khớp cổ chân, cổ tay, khớp gối, khớp khuỷu tay, cột sống, các khớp ngón tay, ngón chân... và bệnh da liễu: tăng sừng...
TS.BS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay, trong những ngày thời tiết lạnh, trẻ em dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì trẻ có thể diễn biến nặng.
Khám bệnh trời rét tại Bệnh viện Nhi TƯ. |
Sai lầm gây bệnh nặng
Các chuyên gia tim mạch cảnh báo, có rất nhiều sai lầm trong sinh hoạt khiến người dân bị đột tử khi trời lạnh. Chằng hạn, khi tỉnh giấc là xốc chăn bật dậy ngay khiến da tiếp xúc ngay với không khí lạnh, mạch máu sẽ co lại. Vì vậy, trước khi ra khỏi chăn mặc sẵn một cái áo khoác ấm để cơ thể được ấm áp; Khi đánh răng rửa mặt cần dùng nước ấm.
Để phòng tránh bệnh trời lạnh phải giữ ấm đặc biệt đầu, cổ, ngực, tai và bàn chân. Tránh đi ra ngoài và thay đổi tư thế đột ngột, khi mở cửa cần đứng nép vào cửa để tránh gió đột ngột. Tuyệt đối không nên ra ngoài tập thể dục, nên vận động nhẹ nhàng trong nhà (vẫn phải mặc ấm). Không nên dậy sớm quá (lúc 4 – 5h sáng) vì huyết áp lúc đó hay tăng. Không nhất thiết phải tắm hằng ngày, tắm và gội không nên tiến hành một lúc. Phòng tắm phải kín và được sưởi ẩm trước khi vào, tắm dần từng phần cơ thể chứ không nên dội nước ào lên người. Sau đó, phải mặc ấm ngay. Khi thấy có các biểu hiện ho, mệt, nên đi khám để phát hiện sớm viêm phổi. Những người cao huyết áp cần uống thuốc đều đặn, khi thấy có biểu hiện khác lạ như nói khó, mất vận động, mất thị lực thoáng qua... thì gọi bác sĩ ngay vì đó là dấu hiệu đột quỵ.
Cách phòng bệnh trong những ngày giá rét:
– Đảm bảo giữ đủ ấm (lưu ý giữ ấm chân, tay, ngực, cổ, đầu), tuy nhiên cũng cần chú ý không ủ ấm quá mức khiến cơ thể toát mồ hôi, dẫn đến nhiễm lạnh, viêm phổi. Hạn chế đi ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp.
– Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng (tinh bột, vitamin, muối khoáng, chất béo…), ăn nhiều hoa quả để nâng cao sức đề kháng. Nên uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Tuyệt đối không đốt củi, sưởi than trong phòng kín.
– Tiêm chủng đầy đủ.