“Có vào có ra” mới thực sự cạnh tranh!

Việc bỏ điều kiện hộ khẩu sẽ tạo cơ hội bình đẳng hơn cho mọi công dân và góp phần nâng cao tính cạnh tranh. Tuy nhiên, muốn có cạnh tranh thực sự thì phải thường xuyên “có vào có ra”, chứ với chế độ biên chế đến khi nghỉ hưu thì cũng không có tác dụng gì nhiều”, TS Nguyễn Đức Vinh, Viện Xã hội học chia sẻ.

“Có vào có ra” mới thực sự cạnh tranh! ảnh 1

Luật chưa quy định cụ thể

Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM  Nguyễn Thành Phong đã có kết luận bỏ điều kiện “có hộ khẩu tại TPHCM” trong tuyển dụng công chức, viên chức, kể cả cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể của TPHCM. Là một người từng có nghiên cứu về vấn đề rào cản hộ khẩu, ông đánh giá thế nào về điều này?

Tôi rất hoan nghênh và hy vọng việc này sẽ sớm được áp dụng. Trong báo cáo nghiên cứu “Hệ thống đăng ký hộ khẩu của Việt Nam từ góc nhìn đa chiều” chúng tôi cũng có đề xuất như vậy. Thực ra về mặt pháp lý, Luật lao động, Luật công chức, Luật viên chức và các luật hiện hành ở Việt Nam không có quy định nào về việc chỉ tuyển công chức, viên chức có hộ khẩu tại địa phương.

Không có quy định, vậy vì sao một số địa phương vẫn áp dụng, thưa ông?

Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố lịch sử, thói quen từ thời bao cấp. Cũng có những toan tính khác của cơ quan tuyển dụng. Chẳng hạn, họ muốn ưu tiên việc làm cho người địa phương… Ngoài ra còn có yếu tố an ninh bởi việc xác minh lý lịch, thân nhân của người có hộ khẩu ngay tại địa phương thường dễ dàng hơn… Theo tôi biết thì TPHCM là một trong số ít tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho đến gần đây vẫn chính thức áp dụng điều kiện có hộ khẩu khi tuyển dụng công chức, viên chức.

Có thể coi việc làm này là trái luật hay không?

Nói là trái luật cũng rất khó bởi trong luật hiện hành có đề cập đến việc bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử theo giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, thành phần xã hội… nhưng lại không có quy định rõ về chống phân biệt đối xử theo quê quán, tình trạng hộ khẩu, và cũng không có giải thích thế nào là thành phần xã hội.Vì vậy nên một số địa phương có chính sách mang tính phân biệt đối xử theo tình trạng hộ khẩu, nhưng khó có thể khẳng định đó là làm trái luật.

Biên chế tới lúc nghỉ hưu thì…

Như vậy, việc bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng trước hết là đúng về mặt hiến pháp?

Tôi cho rằng nếu bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức thì sẽ tạo nên sự bình đẳng hơn cho người dân và điều này phù hợp với hiến pháp.

Nhiều bạn trẻ khi ra trường muốn có việc làm ở thành phố đã gặp rào cản lớn trong thi tuyển vì hộ khẩu. Nhiều người kỳ vọng, việc bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng sẽ tạo nên tính cạnh tranh, giúp tuyển được nhiều người tài giỏi, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Ý kiến của ông thế nào?

Đúng là việc bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh. Tuy nhiên tính cạnh tranh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Về việc tuyển chọn người tài giỏi, nhiều cơ quan và địa phương đã áp dụng chính sách tuyển dụng riêng cho hai nhóm đối tượng, một là tuyển chọn nhân tài, hai là tuyển chọn lao động bình thường.

Nếu người thực sự giỏi, có trình độ xuất sắc thì được tuyển theo chế độ nhân tài rồi, thậm chí là đặc cách, không cần qua thi tuyển. Còn nguồn nhân lực trình độ khá hay trung bình thì tôi nghĩ các thành phố lớn không quá khó khăn trong việc tuyển chọn.

Yếu tố đó là gì, thưa ông?

Theo tôi để thực sự có tính cạnh tranh trong đội ngũ công chức, viên chức thì phải “có vào có ra”, tức là liên tục tuyển chọn người có năng lực, và loại bớt người thiếu năng lực, thậm chí năng lực trung bình. Chứ khi vào biên chế rồi, cứ mặc nhiên làm đến khi nghỉ hưu thì cũng không thể thực sự có tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng được.

Có phải ý ông muốn nói tới việc áp dụng hợp đồng có thời hạn?

Để thực sự có tính cạnh tranh, theo tôi thì chỉ nên áp dụng hợp đồng lao động cho viên chức với thời hạn khoảng 3 – 5 năm, và sau khi hết thời hạn thì cơ quan chỉ gia hạn với những người đáp ứng tốt yêu cầu công việc và có thể chấm dứt hợp đồng với những người không hoàn thành nhiệm vụ hoặc chỉ hoàn thành ở mức trung bình. Có lẽ sau hợp đồng 3 – 5 năm thì phải loại khoảng 20 – 30% lao động. Những người này có thể đi tìm việc khác phù hợp hơn.

Vấn đề là làm sao để đánh giá đúng được người “có” hay “thiếu” năng lực. Liệu việc này sẽ dẫn tới tiêu cực không?

Để làm được như vậy cần có cơ chế đánh giá cán bộ thực sự công bằng và khách quan. Nên quy trách nhiệm cho người đứng đầu, gắn với hiệu quả hoạt động của cơ quan, được đánh giá khách quan bởi các cơ quan chức năng. Nếu thành tích cơ quan không được như mục tiêu đề ra thì người đứng đầu cũng mất việc. Như vậy người đứng đầu phải cân nhắc tuyển chọn và sử dụng cán bộ sao cho hiệu quả nhất, thực sự tạo nên tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Ở nước ta cái từ “ra khỏi biên chế” nó nặng nề quá. Trong chế độ lao động theo hợp đồng có thời hạn, người lao động khi hết hợp đồng đi tìm việc khác là bình thường. Điều đó không hẳn là khả năng lao động của người đó thấp kém, mà là sự phù hợp với từng môi trường, có thể sang cơ quan khác người đó lại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thay hộ khẩu bằng thẻ căn cước

Ông có cho rằng, việc bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức có thể làm gia tăng mạnh người nhập cư, gây quá tải cho các thành phố lớn?

Tôi không cho là như vậy. Chẳng hạn với TPHCM, theo thông tin đã công bố thì thành phố dự kiến năm 2017 cần bổ sung khoảng 500 công chức, viên chức. Như vậy cho dù TPHCM có tuyển cả 500 trường hợp đều là người có hộ khẩu bên ngoài thì con số đó cũng rất nhỏ so với số lượng lao động nhập cư vào thành phố hàng năm.

Thực tế, có nhiều rắc rối  phát sinh từ vấn đề hộ khẩu, từ việc xin cho con học, điện nước, bảo hiểm y tế… chứ không chỉ riêng vấn đề việc làm. Đã có nhiều ý kiến, bỏ quản lý theo hộ khẩu. Quan điểm của ông thế nào?

Vấn đề quan trọng nhất là quản lý và duy trì môi trường sống cho người dân. Ở Việt Nam vẫn quen quản lý bằng hộ khẩu, tức là quản lý con người. Ở nhiều nước phát triển, chính quyền tập trung quản lý cơ sở hạ tầng và môi trường sống, ví dụ, việc xây dựng, cơi nới một ngôi nhà cần rất nhiều thủ tục, theo quy định chặt chẽ, và không phải muốn xây bao nhiêu, muốn ở bao nhiều người cũng được.

Ai có chỗ ở, công việc, thu nhập hợp lý thì mới dám và có thể ở lại thành phố.Thành phố của họ ít bị quá tải mà không cần dùng hộ khẩu để hạn chế người nhập cư.

Ta có thể học hỏi theo cách của nước ngoài không?

Áp dụng ngay ở Việt Nam là khó vì nó liên quan tới điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội, có yếu tố lịch sử như tôi đã nói. Tuy nhiên rõ ràng hộ khẩu là một nguyên nhân gây mất bình đẳng về cơ hội và làm tăng chi phí cho người dân, mặc dù mục tiêu của hộ khẩu không phải là như vậy. Người nhập cư đến các thành phố lớn không có hộ khẩu gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, an sinh xã hội, cũng như các thách thức về việc làm…

Nhiều người ở thành phố trong nhiều năm nhưng vẫn là cư dân tạm trú. Nhưng dù khó thì theo tôi để hướng tới một xã hội năng động và hiện đại hơn, quản lý cư trú hộ khẩu cần được thay thế bằng hình thức quản lý khác.

Hình thức quản lý quản lý đó là gì, thưa ông?

Trước mắt, có thể vẫn duy trì hộ khẩu nhưng cần tách dần ra khỏi các điều kiện đầu vào, trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Sau đó tiến tới chỉ cần thẻ căn cước là đủ. Trong đó tích hợp đầy đủ các thông tin của mỗi cá nhân, thuận tiện tra cứu cho ngành công an và các cơ quan chức năng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Loan (thực hiện)    

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top