Cổ phiếu dược “lặng sóng” giữa bão Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Cổ phiếu dược được cho thuộc nhóm hiệu suất sinh lời tốt. Nhưng trong dịch Covid-19, nhóm cổ phiếu ngành các doanh nghiệp dược nội địa vẫn chưa có “sóng” như kỳ vọng và dự báo.

Thu hút khối ngoại

Trên thế giới, cổ phiếu nhóm các doanh nghiệp ngành dược luôn được đánh giá có tính ổn định, an toàn, lợi suất cao. Tại Việt Nam, công thức ấy cũng không là ngoại lệ với cổ phiếu ngành dược. Bất kể chất lượng cổ phiếu niêm yết chưa tốt, chỉ số VN-Index chưa thực sự được tin cậy... thì cổ phiếu doanh nghiệp ngành dược vẫn thuộc nhóm được các nhà đầu tư ưa thích.

Ngành dược Việt Nam hiện vẫn đang có nhiều tiềm năng tăng trưởng như xu hướng dân số già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe tăng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế và tuổi thọ trung bình của người dân tăng. Trên thị trường chứng khoán, nhóm ngành dược phẩm, đặc biệt các cổ phiếu “top đầu” như Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Impexpharm (IMP), Bidiphar (DBD) hiện đang được định giá khá cao với P/E từ 18 - 22, bỏ xa P/E trung bình của TTCK Việt Nam (khoảng 13-16).

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích của Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities), cổ phiếu dược là lĩnh vực đầu tư dài hạn mà các tập đoàn dược quốc tế rất quan tâm. Hiện nay, ngành dược Việt Nam mới chỉ phát triển trong nội địa, đáp ứng một phần nhu cầu trong nước, dư địa trong tương lai còn rất nhiều. Do vậy, về lâu dài ngành dược sẽ thu hút nhiều dòng vốn từ các tập đoàn dược quốc tế.

Những năm qua, cổ phiếu doanh nghiệp dược luôn thu hút nhà đầu tư, với nhiều thương vụ thâu tóm lớn. Chẳng hạn như hãng dược Taisho của Nhật Bản nâng tỷ lệ sở hữu tại DHG lên gần 51% trong nửa đầu năm 2019, biến công ty dược này trở thành công ty con của Taisho. Trước đó, năm 2017, Abbott Laboratories (Mỹ) đã chi gần 2.300 tỷ đồng để sở hữu gần 52% cổ phần của Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC)...

IMS Health nhận định, ngành dược Việt Nam nằm trong nhóm có tiềm năng tăng trưởng ngành cao nhất (pharmerging market), với dư địa cho chi tiêu vào các sản phẩm dược vẫn còn nhiều. Các chuyên gia tài chính cho rằng, tốc độ tăng trưởng ngành được dự báo ở mức 9-10%/năm nhờ thu nhập trung bình tăng hàng năm và ý thức chăm sóc sức khỏe cá nhân được nâng cao, dẫn đến nhu cầu chi tiêu vào y tế và dược phẩm cũng tăng cao.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Vietnam, giá trị thị trường ngành dược Việt Nam đạt 10,8 tỷ USD (tăng trưởng +9%) vào năm 2024. Trong giai đoạn 2020-2028, ngành dược phẩm dự báo có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) tới 8,8%/năm. Dự báo mức chi tiêu cho dược phẩm trong năm 2020 ở mức 74,1 USD/ người (tăng 9,7% so với năm trước).

Theo các chuyên gia phân tích, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành dược được dự đoán sẽ có thể đón thêm nhiều dòng vốn đầu tư ngoại nhờ vào tiềm năng dồi dào. Trong ngắn hạn các doanh nghiệp dược lớn sở hữu các dòng thuốc giảm đau, kháng sinh chiếm tỷ trọng cao và có hệ thống phân phối sâu rộng sẽ có thuận lợi trong ngắn hạn. Ngay cả việc sản xuất những sản phẩm y tế như băng gạc, khẩu trang cũng mang lại giá trị kinh tế cao trong thời điểm dịch bệnh đang gia tăng hiện nay. 

“Lặng sóng” trong tâm bão

Trái với nhận định ngành dược sẽ trực tiếp hưởng lợi hay cổ phiếu dược sẽ theo đà tăng giá khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thực tế thị giá của các cổ phiếu dược tại Việt Nam không có sóng lớn trong 2 tháng vừa qua. Theo ông Lê Quang Minh (đại diện của Mirae Asset Vietnam), lý do nguồn cung API (thành phần hoạt chất dược phẩm) từ nội địa không khả thi bởi các công ty dược nội địa không có khả năng sản xuất API và tá dược với giá và chất lượng tương đương. Thiếu tự chủ nguồn cung nguyên liệu và từ đó phải chịu áp lực lớn về đầu vào là lý do khiến biên lợi nhuận doanh nghiệp ngành dược nội được dự báo sẽ tiếp tục giảm 300-700 điểm phần trăm trong giai đoạn 2019-2020.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, hầu hết tập trung sản xuất các loại thuốc generic, thực phẩm chức năng, chưa tham gia nhiều vào thị trường dược phẩm thuốc đặc trị do thiếu các viện nghiên cứu lớn chuyên sâu. Ngành dược hiện thiếu sự tài trợ cho việc nghiên cứu chuyên sâu và rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức và tăng cường hợp tác quốc tế nhiều hơn để tạo ra các dòng thuốc có thể xuất khẩu. Điều này có thể cần thời gian lâu dài hơn với sự phối hợp nhiều lĩnh vực từ giáo dục, chính sách, tài trợ để có thể tạo nên một ngành công nghiệp dược phát triển hiện đại.

Do vậy, theo ông Lê Quang Minh, các công ty dược niêm yết dù đã có những phiên tăng giá, nhưng chỉ có một số ít các công ty duy trì được thanh khoản và đà tăng. Các cổ phiếu đầu ngành vẫn là: Dược Hậu Giang (DHG), Dược phẩm Imexpharm (IMP), Pymepharco (PME) và Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN).

Ông Nguyễn Hồng Khanh (VISecurities) cũng cho rằng, khi có dịch diễn ra, điều nhà đầu tư nghĩ đến đầu tiên là cổ phiếu ngành dược được hưởng lợi và ngay lập tức nhiều cổ phiếu dược nhanh chóng được đẩy giá. Tuy nhiên, do cổ phiếu ngành dược có tỷ lệ chuyển nhượng tự do không nhiều nên biến động cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ khó lường nếu lực cầu gia tăng mạnh. Trên sàn, những cổ phiếu bản chất kém thanh khoản do mức độ sở hữu cô đặc càng dễ bị đẩy giá. Thêm nữa, các nhà đầu tư khi tham gia mua vào cổ phiếu ngành dược phần lớn cũng có tư tưởng ngắn hạn, do vậy sau thời gian ngắn giá cổ phiếu nhóm ngành này hạ nhiệt.

Về lâu dài, các chuyên gia vẫn cho rằng, các cổ phiếu dược lớn vẫn là nhóm mã có dư địa phát triển tốt. Bởi theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam tăng nhanh. Độ phủ của bảo hiểm y tế cho người dân 90,7% vào năm 2020. Mức thu nhập bình quân đầu người liên tục được cải thiện nên chi phí cho ngành dược sẽ ngày càng cao. Trong một báo cáo gần đây, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) ước tính tổng giá trị ngành sẽ đạt 7,7 tỷ USD trong năm 2021. Đây chính là động lực cho sự tăng trưởng của cổ phiếu ngành dược trong thời gian tới.

Theo Đời sống
back to top