Có nên tiếp tục dùng thuốc trong diện thu hồi

Cục Quản lý Dược nêu rõ chỉ thực hiện với các thuốc chứa hoạt chất Rosuvastatin 40mg, do không phù hợp với người châu Á. Các thuốc chứa hoạt chất Rosuvastatin hàm lượng 20mg và 10mg các cơ sở điều trị trong nước vẫn sử dụng bình thường.

Hỏi: Tôi đang dùng thuốc hạ lipid máu tên là Crestor 10mg/ngày. Tuy nhiên, Bộ Y tế vừa có quyết định thu hồi 4 loại thuốc, trong đó có thuốc Crestor mà tôi đang sử dụng nhưng hàm lượng cao hơn. Xin hỏi, tôi có thể tiếp tục dùng được thuốc này không? Nguy cơ của thuốc hạ lipid máu?

Nguyễn Thu Phương (Hà Nội)

thuoc-thu-hoi.gif
Đang dùng thuốc điều trị tăng mỡ máu thấy thu hồi.

Trả lời: Trong quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành và thu hồi thuốc lưu hành trên thị trường của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 19/4/2022 là đối với các thuốc chứa hoạt chất rosuvastatin 40mg. Lý do là thuốc có chống chỉ định cho người châu Á. Tại Việt Nam hiện có 4 thuốc chứa hoạt chất rosuvastatin hàm lượng 40mg là:

1. Rofast 40 (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin dưới dạng Rosuvastatin calci) 40mg; Viên nén bao phim; SĐK: VN-22058-19.

2. Lipidorox 40mg (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin 40mg); Viên nén bao phim; SĐK: VD-1507-06.

3. Crestor (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin calcium 40mg Rosuvastatin); Viên nén bao phim; SĐK: VN-8438-09.

4. Avitop 40 (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin dưới dạng Rosuvastatin calci 40mg); Viên nén bao phim; SĐK: VN-19620-16.

Thuốc Crestor 10mg/ngày mà bạn hỏi là do AstraZeneca nhập khẩu. Trả lời về vấn đề này, AstraZeneca xác nhận không nhập khẩu, lưu hành loại thuốc Crestor hàm lượng 40mg, do đó, sẽ không có hoạt động thu hồi thuốc.

Các loại Crestor do AstraZeneca nhập khẩu đang lưu hành tại Việt Nam bao gồm các hàm lượng 5mg, 10mg và 20mg đều được phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả thực hành theo Luật Dược.

Cục Quản lý Dược nêu rõ chỉ thực hiện với các thuốc chứa hoạt chất Rosuvastatin 40mg, do không phù hợp với người châu Á. Các thuốc chứa hoạt chất Rosuvastatin hàm lượng 20mg và 10mg các cơ sở điều trị trong nước vẫn sử dụng bình thường.

ThS Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện T.Ư 71 cho biết, thuốc Crestor với thành phần rosuvastatin là loại thuốc thuộc nhóm statin, có tác dụng giảm mức cholesterol lipoprotein trọng lượng phân tử thấp (LDL) trong máu, đồng thời chống lại các bệnh lý xơ vữa động mạch. Đây là một thuốc thuộc nhóm statin, có vai trò giảm lượng cholesterol do gan tạo ra. Bằng cách làm giảm cholesterol "xấu" và chất béo trung tính và tăng cholesterol "tốt", người bệnh sẽ được điều trị để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và giúp ngăn ngừa đột quỵ và các cơn đau tim.

Một số rất nhỏ những người dùng rosuvastatin có thể bị các vấn đề về trí nhớ nhẹ hoặc nhầm lẫn. Ở một số ít khác, statin có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường. Thuốc Crestor không được sử dụng trong thời kỳ mang thai do rosuvastatin có thể gây hại cho thai nhi. Do đó, điều quan trọng là phải tránh thai trong khi dùng thuốc này. Đồng thời, thuốc Crestor cũng đi vào sữa mẹ. Do nguy cơ có thể xảy ra cho trẻ sơ sinh, không khuyến khích cho con bú trong khi sử dụng thuốc này.

Crestor cũng có một số tác dụng phụ nhưng thường nhẹ và thoáng qua như nhức đầu, chóng mặt. Rối loạn hệ tiêu hóa thường gặp như táo bón, buồn nôn, đau bụng. Bệnh nhân có thể ngứa, phát ban và mề đay nhưng rất hiếm gặp. Các rối loạn tổng quát thường gặp nhất là suy nhược cơ thể.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top