Không lo truyền bệnh
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Y sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc mua lại các thiết bị điện tử cũ về cơ bản sẽ tiết kiệm hơn cho các cá nhân hay đơn vị có nhu cầu với chi phí hợp lý. Việc mua đồ cũ đối với các doanh nghiệp start up cũng là phương án tốt để giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu.
Chính vì ưu điểm này, việc mua bán đồ điện tử cũ đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, nhiều người vẫn còn băn khoăn về chất lượng, an toàn, nhất là đang giai đoạn dịch Covid-19.
Theo TS Nguyễn Phan Kiên, các mặt hàng như điện thoại, đồng hồ, tai nghe… đã qua sử dụng thường là ở Việt Nam. Tại thời điểm hiện nay, các ca nhiễm bệnh đã xác định và được khoanh vùng rồi đưa đi cách ly. Trong khu cách ly, mọi đồ thải ra của bệnh nhân hoặc người bị cách ly đều phải xử lý theo đúng quy trình nên không thể có chuyện tai nghe, đồng hồ… mang ra ngoài bán lại còn dính virus. Nếu trong trường hợp những người đã khỏi (1318 người) có bán lại tai nghe, đồng hồ, điện thoại… và giả sử các đồ điện tử này nhiễm covid thì tỷ lệ khả năng bạn mua phải thiết bị đó sẽ rơi vào khoảng 1381 người/ 95,54 triệu người là 0,001445%.
Với phân tích này, theo TS Nguyễn Phan Kiên, hàng cũ ở Việt Nam khó có thể nhiễm SARS-CoV-2. Còn nếu hàng cũ từ nước ngoài về thì có khả năng bị nhiễm. Tuy nhiên, thông thường, các đồ điện tử cũ, trước khi bán lại thường được người bán vệ sinh sạch sẽ, đánh bằng xi cana hoặc lau bằng cồn công nghiệp để làm sạch bề mặt hoặc bằng một số hóa chất trước khi bán.
Đa số các hóa chất này đều có tính khử khuẩn bề mặt hoặc là các dung dịch tẩy rửa nên bản thân việc làm vệ sinh này đã làm giảm nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo ngay trong mùa dịch. Chính vì thế, việc lây nhiễm trong việc trao đổi đồ điện tử, mua sắm đồ cũ không phải vấn đề đáng lo ngại.
Cần là người có “nghề”
Tuy nguy cơ lây nhiễm bệnh không cao, nhưng việc mua sắm đồ điện tử cũ, bên cạnh những ưu điểm vẫn đi kèm một số nhược điểm như hỏng hóc, hư hỏng. Đồ điện tử sau một thời gian hoạt động sẽ kém chất lượng. Ví dụ các linh kiện điện tử, khi hoạt động nhiều sẽ nóng, từ đó chất lượng các sản phẩm điện tử cũng bị giảm sút nhiều.
Do đó, trước khi quyết định mua đồ điện tử cũ cần cân nhắc về tài chính, nhu cầu sử dụng.
Ví dụ, bạn mua 1 cái tivi cũ, giá rẻ khoảng 2 triệu đồng/ cái hay mua 1 cái tivi mới tinh giá vài chục triệu đồng/ cái. Nếu 2 triệu đồng mà bạn dùng được 1 tháng nó hỏng thì có nghĩa bạn mất 2 triệu đồng tháng đó. Trong khi nếu bạn mua mới giá 24 triệu đồng, bảo hành 24 tháng và sau khi hết bảo hành tivi hỏng mỗi tháng bạn mất 1 triệu đồng. Như vậy bạn nên mua tivi mới. Nhưng nếu bạn mua tivi cũ, bảo hành 3 tháng, sau 3 tháng hỏng và bạn bỏ đi thì mỗi tháng bạn mất 700 nghìn đồng. Hiệu quả hơn.
Ngoài sự cân nhắc về tài chính, sở thích, nhu cầu sử dụng, một vấn đề nữa là khi đồ cũ cần có “nghề” một chút để đánh giá chất lượng của sản phẩm khi mua. Nếu không có hãy nhờ người có nghề họ đi xem hộ trước khi mua. Sau đấy dựa trên tình hình kinh tế, mục đích sử dụng và nhu cầu cá nhân mà quyết định một cách sáng suốt.
Khi mua đồ cũ cần hỏi về lịch sử của đồ cũ, kiểm tra chất lượng cũng như tính toán bài toán kinh tế trước khi mua. Thậm chí là đối với đồ mới của các hãng khác nhau cũng nên cân nhắc giữa chất lượng, chi phí để là người mua sắm thông minh.
TS Nguyễn Phan Kiên