Cỏ mần trầu trị cao huyết áp

Cỏ mần trầu

Cỏ mần trầu (ngưu cân thảo, sam tử thảo, cỏ vườn trầu, cỏ màn trầu, cỏ chỉ tía…) là cây thuốc Nam quý mọc hoang ở bãi cỏ, vệ đường khắp nước ta. Cỏ sống hằng năm, rễ khoẻ, mọc thành cụm, thân mọc thẳng hoặc bò, cao 10 – 60cm. Lá mọc so le, mềm, hình dải nhọn, bẹ lá có lông.

Hoa tự mọc thành bông, xẻ ngón có 5 – 7 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung và có 1 – 2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới, trông giống như nhón tay, mỗi nhánh mang nhiều hoa. Quả thuôn dài, gần như có ba cạnh.

Cỏ mần trầu có vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu viêm, trừ thấp, cầm máu, tán ứ, làm mát gan. Đây là một vị thuốc dùng trong nhân dân chưa thấy có tài liệu nghiên cứu về hoạt chất chữa bệnh.

Người ta coi mần trầu là vị thuốc mát, thường được dùng trị cao huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu tiện vàng và ít một. Đặc biệt, người ta dùng cỏ mần trầu là vị thuốc mát chữa hỏa nhiệt táo bón, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực, sốt nóng, mụn nhọt, các chứng nhiệt độc… Ngày dùng 60 – 100g cỏ khô hoặc 300 – 500g cỏ tươi.

Chữa cao huyết áp: Nhổ toàn cây cả rễ. Rửa sạch thái hay băm nhỏ. Cân chừng 500g. Giã nát, thêm chừng một bát nước đun sôi để nguội. Vắt lấy nước cốt, lọc qua vải, thêm ít đường vào cho ngọt để uống. Ngày có thể uống 2 – 3 lần vào sáng và chiều.

BS Nguyễn Văn Quang

(Hội Nam y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top