Cơ chế... hỗ trợ chưa xong, cấp bách là khôi phục hoạt động xây dựng

Nhiều doanh nghiệp xây dựng tại TPHCM cho rằng, trong khi chờ chính sách hỗ trợ như giãn, giảm thuế, lãi suất... các cơ quan chức năng có thể xem xét giải pháp trước mắt là để các công trường thi công trở lại.

Tiếp tục xem xét trường hợp bất khả kháng

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, hiệp hội này vừa có buổi làm việc trực tuyến với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (Tổ công tác).

Theo ông Hiệp, tại buổi làm việc này, VACC đã một lần nữa kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho nhà thầu xây dựng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát dẫn tới một số địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Cụ thể, đối với kiến nghị đầu tiên về việc áp dụng trường hợp bất khả kháng cho các hợp đồng giao nhận thầu xây dựng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, cần tiếp tục được nghiên cứu, xem xét thêm trước khi có hướng dẫn cụ thể.

Đối với các kiến nghị khác về miễn giãn, giảm thuế, bảo hiểm xã hội… theo ông Hiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hầu hết đã có đề cập đến trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và đang trình Chính phủ thông qua trong thời gian sớm nhất.

Trao đổi thêm sau cuộc làm việc của Tổ công tác với VACC, Chủ tịch VACC nhấn mạnh, các doanh nghiệp xây dựng hết sức phấn khởi và tin tưởng sự vào cuộc nhanh chóng, sát sao của Chính phủ khi chỉ sau 2 ngày thành lập Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với VACC.

Liên quan đến nội dung này, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, những kiến nghị về trường hợp bất khả kháng hay hỗ trợ về tài chính như giãn giảm thuế, miễn giảm lãi suất… trong khi đang được các cơ quan chức năng xem xét, thì trước mắt, cần nghiên cứu giải pháp để các công trường có thể thi công trở lại. "Chỉ cần hoạt động trở lại, các doanh nghiệp xây dựng có thể chủ động từng bước xoay xở được” - ông Hải cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, đối với các công trường mà công nhân ăn ở tại chỗ hoặc thi công tại các không gian thoáng, cách biệt với các khu dân cư có thể xem xét cho thi công trở lại, với các yêu cầu về phòng dịch cụ thể.

anh-bia.jpg
Nhiều công trường xây dựng phải tạm dừng thi công do chấp hành quy định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp đã chịu nhiều tổn thất

Trước đó, KH&ĐS đã có bài phản ánh những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp xây dựng đặc biệt là chuyển tải những phân tích sâu của các chuyên gia liên quan đến nội dung kiến nghị xem xét xác định việc các hợp đồng giao nhận thầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là một trường hợp bất khả kháng.

Theo đại diện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, từ lúc nhận được văn bản của Sở Xây dựng TPHCM tới 0h ngày 15/7, doanh nghiệp chỉ có 12h để chuẩn bị nên không xoay sở kịp. Do đó, Tập đoàn phải dừng toàn bộ công trình xây dựng tại TPHCM, chỉ tiếp tục thực hiện một số công trình do yêu cầu về tiến độ không thể dừng, nhưng cũng chỉ có số ít công nhân ở lại.

“Việc chuẩn bị mặt bằng, bố trí cho công nhân ăn ngủ tại chỗ là rất khó khăn bởi số lượng công nhân xây dựng rất lớn. Hơn nữa, 7 ngày/lần phải xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân thì chi phí đội lên rất lớn” - đại diện này chia sẻ.  Việc dừng thi công toàn bộ công trình sẽ khiến tiến độ dự án bị chậm lại. Tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng. Hơn nữa, việc vận chuyển vật liệu xây dựng trong thời điểm hiện tại cũng gặp rất nhiều khó khăn nên việc cho công nhân tạm nghỉ là điều hợp lý.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Coteccons Phan Hữu Duy Quốc cho rằng, doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” trong thời gian 12h khi có yêu cầu từ Sở Xây dựng TPHCM, nên nhiều công trường xây dựng tại TPHCM đã tạm dừng thi công. Việc tổ chức cho công nhân ăn uống, ngủ lại ngay tại công trường có thể áp dụng cho những công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ quy mô nhỏ. Còn với những công trường lớn có hàng trăm công nhân thì rất khó triển khai.

Việc dừng thi công sẽ tạo ra thiệt hại cho cả nhà thầu và chủ đầu tư, ảnh hưởng tiến độ công trình và lợi ích kinh tế về lâu dài. Mức tổn thất cụ thể tùy thuộc vào quy mô công trình và kế hoạch kinh doanh. Nhưng trong hoàn cảnh này, hầu hết chủ đầu tư cũng cảm thông và chia sẻ cho nhà thầu xây dựng. Đây là rủi ro bất khả kháng không ai mong muốn, buộc phải chấp nhận.

Trước thực tế khó khăn trên, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị Thủ tướng nên giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công, chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

VACC cũng đề nghị Bộ Xây dựng có các quy định, hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, nêu rõ công trình nào phải tạm dừng. Với các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền, hay các công trình đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối để bàn giao không nằm trong vùng dịch trọng điểm thì đề nghị vẫn cho phép tiếp tục triển khai khi áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm tra, phòng chống dịch.

Ngoài ra, VACC cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ cụ thể, như dừng thu bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng. Giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý 2/2021 sang đầu năm 2022 với các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán. Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp từ tháng 4/2021 - 12/2021.

Bên cạnh đó, áp dụng lãi suất 0% với các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách; hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021, đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.

Theo Đời sống
back to top