Nhà thầu ngưng thi công vì chịu tác động kép

(khoahocdoisong.vn) - Trước sức ép từ dịch bệnh và biến động giá vật liệu xây dựng khiến giá thành công trình tăng cao, hầu hết các nhà thầu tại TPHCM chọn cách đóng cửa công trình hoặc giãn tiến độ thi công để đảm bảo an toàn.

Nhiều dự án “bất động”

Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ các nhà máy sản xuất tại TPHCM phải chấp nhận tạm dừng hoạt động để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng phương châm “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường - 2 điểm đến”, mà các dự án bất động sản (BĐS) cũng phải dừng hoạt động vì quy định này.

Đại diện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, từ lúc nhận được văn bản của Sở Xây dựng TPHCM tới 0h ngày 15/7 chỉ có 12h để chuẩn bị nên không xoay sở kịp. Do đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phải dừng toàn bộ công trình xây dựng tại TPHCM, chỉ tiếp tục thực hiện một số công trình do yêu cầu về tiến độ không thể dừng nhưng cũng chỉ có số ít công nhân ở lại.

“Việc chuẩn bị mặt bằng, bố trí cho công nhân ăn ngủ tại chỗ là rất khó khăn bởi số lượng công nhân xây dựng rất lớn. Hơn nữa, 7 ngày/lần phải xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân thì chi phí đội lên rất lớn” - đại diện này chia sẻ và cho biết, việc dừng thi công toàn bộ công trình sẽ khiến tiến độ dự án bị chậm lại. Tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng. Hơn nữa, việc vận chuyển vật liệu xây dựng trong thời điểm hiện tại cũng gặp rất nhiều khó khăn nên việc cho công nhân tạm nghỉ là điều hợp lý.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Coteccons Phan Hữu Duy Quốc cũng cho rằng, doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” trong thời gian 12h khi có yêu cầu từ Sở Xây dựng TPHCM, nên nhiều công trường xây dựng tại TPHCM đã tạm dừng thi công. Việc tổ chức cho công nhân ăn uống, ngủ lại ngay tại công trường có thể áp dụng cho những công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ quy mô nhỏ. Còn với những công trường lớn có hàng trăm công nhân thì rất khó triển khai.

Việc dừng thi công sẽ tạo ra thiệt hại cho cả nhà thầu và chủ đầu tư, ảnh hưởng tiến độ công trình và lợi ích kinh tế về lâu dài. Mức tổn thất cụ thể tùy thuộc vào quy mô công trình và kế hoạch kinh doanh. Nhưng trong hoàn cảnh này, hầu hết chủ đầu tư cũng cảm thông và chia sẻ cho nhà thầu xây dựng. Đây là rủi ro bất khả kháng không ai mong muốn, buộc phải chấp nhận.

Đại diện Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Xây dựng Việt Thái cho hay, công ty đã ký trọn gói thi công 6 công trình từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái bùng phát cùng với đó là giá sắt thép, nguyên vật liệu tăng cao khiến công ty bị chậm tiến độ triển khai dự án, trong đó 2 công trình phải tạm dừng thi công.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng, việc áp dụng “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” là điều cực kỳ khó khăn với các doanh nghiệp xây dựng. Quỹ đất xây dựng chung cư ở TPHCM eo hẹp nên không có mặt bằng để bố trí cho công nhân ăn ngủ tại chỗ. 

Nhiều dự án bất động sản phải tạm dừng để phòng dịch, khiến hoạt động của các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Nhiều dự án bất động sản phải tạm dừng để phòng dịch, khiến hoạt động của các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Các Hiệp hội kiến nghị tháo gỡ

Theo Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Thủ tướng nên giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công, chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

VACC cũng đề nghị Bộ Xây dựng có các quy định, hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, nêu rõ công trình nào phải tạm dừng. Với các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền, hay các công trình đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối để bàn giao không nằm trong vùng dịch trọng điểm thì đề nghị vẫn cho phép tiếp tục triển khai khi áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm tra, phòng chống dịch.

Ngoài ra, VACC cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ cụ thể, như dừng thu bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng. Giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý 2/2021 sang đầu năm 2022 với các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán. Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp từ tháng 4/2021 - 12/2021.

Bên cạnh đó, áp dụng lãi suất 0% với các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách; hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021, đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.

Còn theo HoREA, để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp BĐS không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính. Cụ thể, NHNN và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.

Các ngân hàng thương mại được đề nghị xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án… HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất. Cụ thể, đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch, góp phần kéo giảm giá nhà…

Bên cạnh đó, HoREA cũng tiếp tục kiến nghị ban hành quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại bởi hiện nay, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại rất phức tạp như một "ma trận", tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp và làm cho cán bộ công chức nhà nước rất "vất vả", thậm chí dễ bị "rủi ro" trong thi hành công vụ...

Theo Đời sống
Rau, củ quả sấy khô loạn giá bán

Rau, củ quả sấy khô loạn giá bán

Bên cạnh sản phẩm rau củ quả sấy của các thương hiệu uy tín, thị trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm rau, củ quả sấy không rõ nguồn gốc, thành phần, hạn sử dụng, cũng như không được công bố chất lượng.
Đèn bắt muỗi giá rẻ, “mua bực” vào người

Đèn bắt muỗi giá rẻ, “mua bực” vào người

Đèn bắt muỗi là thiết bị gia dụng được nhiều gia đình tin dùng hiện nay, giúp tiêu diệt muỗi và côn trùng hiệu quả. Nhiều loại đèn bắt muỗi “giá rẻ giật mình” được bày bán tràn lan trên thị trường, khiến người tiêu dùng hoang mang.
back to top