Chuyện khởi nghiệp của những tỷ phú lừng danh thế giới

Bill Gates, Jack Ma, Carlos Slim Helu... là những tỷ phú nổi danh thương trường quốc tế. Ít ai biết rằng, trước khi thành công, họ đã trải qua quá trình khởi nghiệp gian truân.

Tỷ phú Bill Gates từng nói: “Kiên nhẫn chính là yếu tố của thành công”. Kinh doanh là cả quá trình lâu dài, lúc thành, lúc bại. Đối diện khó khăn, thử thách, người kiên trì không bao giờ nản lòng, bỏ cuộc giữa chừng, mà họ sẽ nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đặt ra.

Bill Gates: Bỏ học Harvard phát triển sự nghiệp riêng

Sinh ra trong gia đình giàu có và là con trai của luật sư nổi tiếng William H. Gates, tỷ phú người Mỹ Bill Gates (sinh năm 1955) đã phải trải qua nhiều thất bại trước khi đạt đến đỉnh cao.

Từ nhỏ, Bill Gates có niềm đam mê với máy tính và bắt đầu viết các chương trình phần mềm đầu tiên của mình năm 13 tuổi. Tại trường trung học, Gates cùng người bạn Paul Allen mở công ty có tên Traf-O-Data làm về lĩnh vực tự động hóa quá trình phân tích dữ liệu lưu lượng giao thông cho các con đường ở Washington. Tuy nhiên, Traf-O-Data không đạt được thành công như Gates và Allen kỳ vọng, công ty buộc phải đóng cửa.

“Traf-O-Data là ý tưởng sáng tạo nhưng có mô hình kinh doanh còn thiếu sót. Từ năm 1974 đến 1980, tổng số lỗ ròng của Traf-O-Data là 3.494 USD. Chúng tôi đóng cửa ngay sau đó”, Paul Allen từng nói với Newsweek.

Tỷ phú Bill Gates. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Bill Gates. Ảnh: Reuters.

Bài học từ Traf-O-Data mang lại kinh nghiệm quý giá cho Gates và Allen để sau này thành lập và đưa Microsoft trở thành một trong những tập đoàn thành công, ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1973, Gates vào Đại học Harvard với điểm số cao ngất ngưởng là 1590/1600 trong kỳ thi SAT. Nhưng chỉ sau 2 năm, ông quyết định bỏ học để tập trung sự nghiệp riêng.

Năm 1975, Bill Gates và Paul Allen thành lập Microsoft. Đến năm 1989, Bill Gates viết mã chương trình thành công cho công ty phần mềm của mình. Năm 1990, Bill Gates cho ra mắt bộ 3 ứng dụng văn phòng thông minh, đơn giản hóa quá trình làm việc của mọi người, là Microsoft Office.

Từ năm 1985 đến 1995, Microsoft bước vào thời kỳ đỉnh cao, phát triển vững mạnh, đưa ra thị trường nhiều phần mềm có tính ứng dụng cao. Chính thành công của Microsoft đã đưa Bill Gates trở thành doanh nhân và tỷ phú nổi tiếng khắp thế giới. Ngoài ra, ông còn là nhà từ thiện với nhiều dự án lớn, nhằm giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Jack Ma: 30 lần xin việc thất bại và bước ngoặt sự nghiệp

Jack Ma là câu chuyện vượt khó điển hình. Từ người 2 lần trượt đại học, 10 lần bị Harvard từ chối và 30 lần xin việc thất bại, ông vẫn lạc quan, nắm bắt cơ hội để tìm con đường riêng đến thành công, trở thành tỷ phú nổi tiếng thế giới.

Jack Ma sinh năm 1964 tại Trung Quốc. Niềm đam mê hồi nhỏ của ông là học tiếng Anh. Năm 9 tuổi, Jack Ma cố gắng cải thiện vốn tiếng Anh bằng cách thức dậy sớm, đạp xe đến Khách sạn Quốc tế Hàng Châu, nơi có đông khách du lịch quốc tế. 12 tuổi, ông mua chiếc radio bỏ túi và thường xuyên nghe các đài phát thanh tiếng Anh. Suốt 9 năm, Jack Ma đạp xe 27 km mỗi ngày để làm hướng dẫn viên du lịch Hàng Châu cho người nước ngoài, nhằm thực hành khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Tỷ phú Jack Ma. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Jack Ma. Ảnh: Reuters.

Dù giỏi tiếng Anh, ông từng 2 lần trượt đại học. Lần thi đầu tiên, Jack Ma trượt do chỉ đạt 1 điểm Toán. Không nản lòng sau 2 lần thất bại, trong lần thi thứ ba năm 1984, ông đỗ Đại học Sư phạm Hàng Châu, là một trong những sinh viên xuất sắc của trường.

Năm 1988, ông lấy bằng cử nhân ngành Tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Hàng Châu. Sau khi tốt nghiệp, Jack Ma nộp đơn xin 30 công việc khác nhau nhưng đều bị từ chối. Cuối cùng, ông được tuyển dụng làm giáo viên tiếng Anh và thương mại quốc tế tại Đại học Điện tử Hàng Châu với mức lương thấp.

Bước ngoặt trong sự nghiệp của Jack Ma đến năm 1995 khi ông tới Mỹ, được tiếp cận máy tính và Internet. Ông gõ vào ô tìm kiếm trực tuyến từ “beer” nhưng không có kết quả nào về bia Trung Quốc. Jack Ma lập tức nhận thấy Internet ẩn chứa những cơ hội tuyệt vời.

Tháng 4/1995, ông cùng vợ và một người bạn góp 20.000 USD mở công ty riêng mang tên China Pages, chuyên tạo trang web cho các doanh nghiệp Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy, China Pages thất bại.

Không từ bỏ, năm 1999, Jack Ma tiếp tục thành lập doanh nghiệp Internet khác. Ông tập hợp 17 người bạn và thuyết phục họ cùng đầu tư để cho ra đời trang web thương mại điện tử doanh nghiệp Alibaba.com, nơi các nhà xuất khẩu có thể đăng sản phẩm của họ lên để khách hàng mua trực tuyến.

Thành công vẫn chưa đến với Jack Ma. Alibaba không tạo doanh thu suốt 3 năm đầu tiên và đối mặt nguy cơ phá sản cùng nhiều vấn đề khác. Nhưng bằng sự kiên trì và nhạy bén, Jack Ma đưa Alibaba từng bước vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước.

Đến tháng 10/1999, công ty của Jack Ma nhận được góp vốn 5 triệu USD từ Goldman Sachs và 20 triệu USD từ SoftBank, một hãng viễn thông của Nhật. Số vốn đầu tư đó đã giúp Alibaba tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2005, Yahoo đầu tư 1 tỷ USD vào Alibaba để đổi lấy 40% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Sau 19 năm thành lập, năm 2018, công ty này trở thành đế chế trị giá lên tới vài trăm tỷ USD.

Carlos Slim Helu: Khởi nghiệp năm 12 tuổi bằng cách mua cổ phiếu

Carlos Slim Helu nổi tiếng là doanh nhân có tầm nhìn dài hạn khi đầu tư. Lúc nhỏ, vị tỷ phú người Mexico đã bộc lộ năng khiếu kinh doanh khi kiếm tiền bằng cách bán, trao đổi thỏi kẹo hay gói snack. Năm 12 tuổi, Carlos Slim khởi nghiệp với việc mua cổ phiếu của một ngân hàng. Đến năm 15 tuổi, ông trở thành cổ đông của ngân hàng lớn nhất Mexico.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tự trị Quốc gia Mexico với tấm bằng Kỹ sư dân dụng, Carlos làm việc cho một số công ty, trong đó có công ty viễn thông Telmex. Đầu những năm 1980, ông mua cổ phần tại Telmex và dần tăng quyền sở hữu cho đến khi nắm toàn quyền điều hành công ty. Đây được xem là bước khởi đầu cho hành trình trở thành một trong những người giàu nhất thế giới của vị tỷ phú sinh năm 1940.

Tỷ phú Carlos Slim Helu. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Carlos Slim Helu. Ảnh: Reuters.

Thành công của Carlos Slim Helu trong ngành viễn thông không dừng lại ở Telmex. Ông còn thành lập America Movil, công ty điện thoại di động hoạt động tại 25 quốc gia trên khắp Mỹ Latinh, Caribe và châu Âu.

"Đế chế" kinh doanh của Carlos Slim Helu bao gồm nhiều công ty viễn thông, tài chính, xây dựng, khai thác mỏ và bán lẻ. Đáng chú ý nhất phải kể đến América Móvil, Grupo Financiero Inbursa, Grupo Carso và Telmex.

Biệt tài định giá các doanh nghiệp đã giúp “đế chế” của Carlos Slim Helú ngày càng trở nên hùng mạnh. Năm 2010, Carlos Slim khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi bất ngờ vượt qua Bill Gates, trở thành người giàu nhất thế giới và giữ vững vị trí này đến năm 2013.

Ngoài các dự án kinh doanh, Carlos còn được biết đến với những nỗ lực từ thiện đáng quý. Ông quyên góp hàng tỷ USD cho nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nghệ thuật. Ông thành lập Quỹ Carlos Slim năm 1986, tập trung cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân ở Mỹ Latinh và Caribe thông qua chương trình giáo dục, y tế và phát triển xã hội.

Tỷ phú 84 tuổi luôn tâm niệm rằng, điều quan trọng đối với những người thành đạt là phải đền đáp cho cộng đồng và giúp đỡ người gặp khó khăn, mang lại giá trị đích thực trong cuộc sống.

Theo VietnamDaily
back to top