Chuyên gia chỉ cách dùng gừng phòng chữa bệnh mùa lạnh

Gừng là loại gia vị rất phổ biến trong ẩm thực nước ta, được dùng dưới dạng tươi, khô, bột hoặc nước ép. Gừng thường được dùng để phòng, chữa bệnh mùa lạnh.

Công dụng

Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng tán hàn giải biểu, ấm dạ dày, cầm mửa, tiêu nước, dịu ho, cầm nôn, tiêu đàm, giải độc.

gung-tuoi.jpg
Gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng tán hàn giải biểu, ấm dạ dày, cầm mửa, tiêu nước, dịu ho, cầm nôn, tiêu đàm, giải độc. Ảnh minh họa

Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ (củ gừng). Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol và zingerol, trong đó gingerol chiếm tỷ lệ cao nhất.

Cineol trong gừng có tác dụng kích thích khi sử dụng tại chỗ và có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều vi khuẩn.

Kinh nghiệm dân gian từ lâu đã dùng gừng tươi chữa cảm mạo, phong hàn, nhức đầu, ngạt mũi, ho có đờm, nôn mửa, bụng đầy trướng.

Gừng cũng được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, tăng bài tiết, sát trùng, hành thủy, giải độc ngứa do bán hạ, cua cá, chim, thú độc.

Ngày dùng 4 - 8g, dạng thuốc sắc uống. Còn dùng làm thuốc xoa bóp và đắp ngoài chữa sưng phù, vết thương, giảm đau.

Gừng có vị cay nóng, tính ấm nên khi ăn gừng tươi có tác dụng làm giãn các mao mạch, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, giúp làm ấm cơ thể từ bên trong.

Phương pháp này không chỉ hỗ trợ tuần hoàn máu tốt hơn mà còn có thể chống lại virus hợp bào hô hấp, ngăn cản các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Dân gian cũng sử dụng gừng để cạo gió trị cảm lạnh.

Một số kinh nghiệm sử dụng gừng phòng trị bệnh

- Gừng nướng: Chữa đau bụng, lạnh bụng, đi ngoài.

- Gừng khô, gừng sao: Chữa đau bụng lạnh, đầy trướng không tiêu, thổ tả, chân tay giá lạnh, mạch nhỏ, đàm ẩm, ho suyễn và thấp khớp.

Ngày dùng 4 - 20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

- Chữa ho lâu ngày và ợ: Gừng sống giã lấy nước cốt (1 thìa) trộn mật ong (1 thìa). Đun nóng, uống dần ít một.

- Bệnh tiêu hóa: Mùa lạnh chúng ta cũng thường bị tình trạng lạnh bụng, khó tiêu. Củ gừng tươi có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh về đường tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, trào ngược dạ dày, buồn nôn, giúp tăng cảm giác thèm ăn.

Sử dụng gừng làm gia vị thêm vào các món ăn để kích thích tiêu hóa, hoặc sử dụng trà gừng, ăn mứt gừng.

cu-gung.jpg
Sử dụng gừng làm gia vị thêm vào các món ăn để kích thích tiêu hóa, hoặc sử dụng trà gừng. Ảnh minh họa

- Đau lưng, đau vai gáy do lạnh: Có thể dùng rượu gừng làm thuốc xoa bóp, massage cơ để cơ bắp được thả lỏng hơn. Hoặc chườm nóng vai gáy với gừng rang với muối hột.

- Đau xương khớp mùa lạnh: Ngâm chân, tay hoặc tắm với nước thảo dược có thành phần là gừng tươi. Hoặc sử dụng gừng rang với muối hột chườm lên vùng đau.

Lưu ý khi sử dụng gừng:

+ Không nên sử dụng quá 5g gừng/ngày.

+ Những người chuẩn bị mổ hoặc mới mổ xong không dùng gừng.

+ Không dùng cho những trường hợp chảy máu cam, chảy máu răng, băng huyết, ho ra máu... Về mặt lý thuyết, gừng là chống chỉ định ở những bệnh nhân có chảy máu tạng hoặc những người dùng các thuốc chống tiểu cầu hoặc warfarin.

+ Không dùng cho người bị đổ mồ hôi nhiều, cảm nắng...

+ Khi thoa gừng lên da nên sử dụng trước ở một diện tích nhỏ xem có bị kích ứng không, chỉ nên giữ gừng trên da trong một thời gian ngắn vì có thể gây bỏng rát với người có da nhạy cảm.

+ Nên rửa sạch vỏ gừng trước khi ăn chứ không nên gọt bỏ vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top