Theo YHCT mụn nhọt do hỏa độc, nhiệt độc gây nên, biểu hiện bằng những khối sưng nóng, đỏ, đau còn gọi là ung sưng. Loại mụn có đầu, chân mụn sưng nóng đỏ, đau nhẹ thường dễ chữa và chóng lành. Loại mụn có đầu nhọn, chân tỏa như cái nấm, hình dạng không cố định, sưng lan tỏa, nóng và đỏ thì khó chữa, khi lành dễ thành sẹo xấu.
Bài thuốc khi mụn mới phát
Người sốt, mệt mỏi, tại chỗ mụn có sưng nóng đỏ, rất đau. Hướng điều trị, thanh nhiệt, lương huyết, tiêu độc bằng phương pháp sau: thổ phục linh 20g, thương nhĩ tử 20g, cho 2 vị thuốc vào ấm với 3 bát nước lạnh, sắc lên còn 2 bát, uống nguội trong ngày, uống liên tục tới khi khỏi sưng.
Bài thuốc giai đoạn đã hóa mủ
Phép điều trị đưa độc ra ngoài bằng cách dùng cây lá xoan và muối lượng bằng nhau, giã nhỏ đắp vào chỗ mụn ngày 2 lần, có thể kết hợp với bài thuốc sau đây. Kim ngân hoa 20g, liên kiều 12g, tạo giác thích 12g, bồ công anh 10g, cam thảo 1g sắc uống ngày 1 thang.
Giai đoạn vỡ mủ
Khi mụn nhọt vỡ mủ ta rửa sạch vết thương bằng lá trầu không và kinh giới sau đó dán cao hút mủ lên da ngày 1 lần. Không nên nặn non khi mủ chưa vỡ hoặc khi mụn nhọt còn đang sưng tấy chưa thành mủ vì vi khuẩn sẽ có điều kiện dễ dàng xuyên qua hàng rào bảo vệ quanh mụn nhọt, đi vào máu gây nhiễm trùng huyết. Khi vết thương liền da, cơ thể mệt mỏi có thể uống thêm các vị thuốc bổ khí huyết như đẳng sâm, hoàng kỳ, đương quy, bạch truật.
Để phòng mụn nhọt cần giữ vệ sinh thân thể, tắm giặt sau 1 ngày lao động có nhiều bụi bẩn bám vào da, nhất là vào mùa hè. Cần thường xuyên tập thể dục thể thao, nâng cao thể lực, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tăng cường hoa quả, rau xanh, không ăn thức ăn cay nóng gây huyết nhiệt.
BS Kim Ngân (Vĩnh Hồ, Hà Nội)