"Chóng mặt" vì lắm app, nhiều code

Theo các chuyên gia, Việt Nam có quá nhiều QR Code và các ứng dụng khiến cho việc theo dõi và kiểm soát dịch rối ren, phức tạp, không hiệu quả...
giay-di-duong.jpg

Hợp nhất kho dữ liệu và các nền tảng phục vụ chống dịch

Theo TS Vũ Anh Tuấn, chuyên gia giao thông công cộng, Đại học Tokyo (Nhật Bản), Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không thiếu nguồn lực và nhân tài công nghệ, cái thiếu là tư duy quản trị và tầm nhìn quản lý tổng thể. Câu chuyện luẩn quẩn giấy đi đường của Hà Nội hay quá nhiều app ứng dụng khai báo ở Việt Nam cho thấy sự thiếu vắng vai trò quản lý.

Thông hành “phi giấy tờ” không phải là chuyện mới hay khó bởi nhiều địa phương, bộ ngành đã triển khai thành công với các ứng dụng như khai báo y tế, QR Code luồng xanh, vé máy bay điện tử, hóa đơn điện tử... Việc thiết lập một phần mềm dùng chung cho người dân đăng ký và cơ quan chức năng phê duyệt không khó. Đơn cử như phần mềm cấp luồng xanh QR Code tự động, Tổng cục Đường bộ đã gấp rút xây dựng chỉ trong hơn nửa tháng.

Thực tế việc cấp mã nhận diện luồng xanh xe vận tải hàng hoá cho thấy, người dân chỉ cần gửi đề xuất và được xét duyệt qua mạng internet, tránh phải tập trung đông người, đồng thời nhanh gọn, tích hợp luôn dữ liệu trên kho ứng dụng, dễ quản lý, theo dõi. Theo đó thì việc cấp giấy đi đường mới của Hà Nội chỉ cần thừa kế, áp dụng, liên kết những hệ thống có sẵn. Lực lượng chức năng chỉ cần gửi mã qua email hoặc các mạng xã hội như Zalo, Viber... 

Với số ít những người không sử dụng điện thoại thông minh thì xét cấp bản cứng tại trụ sở phường, xã… Thay vì kiểm soát tập trung tại các chốt, vừa khó thực hiện đầy đủ tuần tự các bước, vừa gây ùn ứ, dồn số lượng lớn người và phương tiện tại một điểm.

ThS Trương Quốc Toàn, chuyên gia tư vấn quy hoạch đô thị và thiết kế phát triển các phần mềm ứng dụng cho rằng, cả nước nên sử dụng một phần mềm ứng dụng công nghệ thống nhất, nhưng phân cấp quản lý để người dân, cơ quan tự động đăng ký. Ứng dụng này phải được tích hợp tất cả các tính năng dữ liệu liên thông với nhau bao gồm: Căn cước công dân, bảo hiểm y tế, dữ liệu về sức khỏe, tiêm chủng, khu vực thường trú, công việc... Người dân chỉ cần khai báo và cơ quan quản lý duyệt cho phép đi đường hay cách ly... căn cứ vào dữ liệu cập nhật đồng nhất trên app.

Với mỗi mức độ xanh, đỏ, cam, lực lượng chức năng dễ dàng kiểm soát người được phép ra đường qua app. Tình trạng của Hà Nội cũng như của cả nước hiện nay là mọi ứng dụng đều có nhưng rời rạc, không liên thông, chồng chéo. Địa phương nào, ngành nào cũng QR Code, nhưng QR Code không đồng nhất, mạnh ai nấy làm.

Ví dụ, khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai đồng nhất 1 hệ thống mã theo dõi y tế. Người dân hằng ngày nhận được mã QR theo dõi sức khỏe vào điện thoại di động tùy thuộc vào dữ liệu cư trú, công việc, tình trạng sức khỏe, lịch sử di chuyển... được người dùng cập nhật đăng tải lên theo yêu cầu của nhà quản lý. Mã QR này sẽ được sử dụng hàng ngày để người dân được phép thông hành hay phải bắt buộc cách ly, hạn chế ra nơi công cộng. 

Liên thông dữ liệu

Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho rằng, rất nhiều giải pháp công nghệ chống dịch của Việt Nam được phát triển và ra mắt trong thời gian ngắn nhưng mỗi giải pháp lại phát triển theo một con đường riêng, thiếu sự nhất quán, dữ liệu bị phân mảnh khiến cho việc hỗ trợ các quy trình nghiệp vụ dịch tễ của ngành y tế trên quy mô toàn quốc không được hiệu quả. Điều này vừa gây khó khăn trong triển khai của cơ quan quản lý, vừa dẫn đến sự bất tiện, khó tiếp cận đối với người dùng. Chính vì vậy, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (TTCOVID-19) vừa ra đời có nhiệm vụ kết nối và tạo ra sự hợp lực về mặt công nghệ giữa rất nhiều doanh nghiệp.

Dữ liệu của các nền tảng sau khi được quy tụ về TTCOVID-19 sẽ được đồng bộ, liên thông với các nền tảng mang tính cốt lõi về chống dịch như khai báo y tế, kiểm soát ra vào bằng mã QR, hay hỗ trợ truy vết lây nhiễm… Nhờ dữ liệu được liên thông và đồng bộ về một kho chung, mà cơ quan quản lý hiện có một kho dữ liệu đủ lớn trên quy mô cả nước để có thể thực hiện giải pháp phân tích, dự báo tình hình dịch một cách chính xác. Người dân cũng sẽ không còn bất tiện với quá nhiều ứng dụng.

Hiện nay, TTCOVID-19 đã xây dựng, triển khai và đang vận hành 6 nền tảng công nghệ phòng, chống dịch chủ chốt được dùng chung trên toàn quốc gồm: Nền tảng khai báo y tế, Nền tảng quản lý các điểm ra vào bằng mã QR, Nền tảng truy vết lây nhiễm, Nền tảng quản lý cách ly, Nền tảng quản lý xét nghiệm và Nền tảng quản lý tiêm chủng. Các nền tảng này đang được triển khai trên quy mô toàn quốc theo sự điều phối chung của Bộ TT&TT và Bộ Y tế.

Bộ TT&TT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai 3 nền tảng chống dịch dùng chung toàn quốc là Nền tảng kiểm soát ra vào bằng mã QR, Nền tảng quản lý xét nghiệm và Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

Sau khi các nền tảng đã được triển khai một cách đồng bộ và rộng khắp, TTCOVID-19 sẽ hướng đến việc triển khai các công nghệ phân tích, mô hình hóa dữ liệu để đưa ra các thống kê dự báo về tình hình dịch từ đó làm cơ sở cho Bộ Y tế và Chính phủ có quyết sách phù hợp ứng phó với dịch trong giai đoạn tiếp theo. 

Tính từ 24/7 khi bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16, đến nay, Hà Nội đã 4 lần thay đổi việc cấp, kiểm tra giấy đi đường. Đáng chú ý, có những lần thay đổi chỉ sau 2, 3 ngày ban hành vì không phù hợp với tình hình thực tiễn, khiến người dân, doanh nghiệp lúng túng. Việc cấp giấy đi đường QR Code vẫn đang được Hà Nội tiếp tục triển khai nhưng người dân vẫn cảm thấy nhiều lo lắng bởi chưa thực sự ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, giảm bớt thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát phòng chống dịch. Việt Nam đang quá nhiều ứng dụng chống Covid-19, chồng chéo, không liên thông, gây phiền toái cho người dân như Bluezone, VHD, Sổ sức khỏe điện tử; tokhaiyte.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, QR Code luồng xanh, VNEID; khai báo "di biến động dân cư", Bản đồ An toàn Covid-19, Tổng đài 1022...

Theo Đời sống
back to top