Chuyên gia đề xuất giải pháp, công nghệ kiểm soát việc "di chuyển xanh"

Bên cạnh việc tăng cường giãn cách xã hội và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, có nhiều ý kiến cho rằng, cần ứng dụng công nghệ để có chính sách riêng cho việc di chuyển an toàn (di chuyển xanh).

Di chuyển xanh bằng cơ chế vaccine

Vừa qua, kết luận tại cuộc họp với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ chiều 4.9, một trong những đề xuất được Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình là "di chuyển xanh". Do đó, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thống nhất toàn quốc về việc cho phép người lao động, chuyên gia, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã tiêm vaccine và cách ly 7 ngày được phép đi lại, di chuyển giữa các địa phương trong cả nước. Đây được gọi là di chuyển an toàn, "di chuyển xanh".

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM) nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, đặt ra yêu cầu cao hơn trong phòng chống dịch. Do đó, sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Chính vì vậy, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bác sĩ Khanh nói rằng, chỉ cần thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ 2-3 tuần thì sẽ khoanh vùng, kiểm soát được dịch bệnh một cách dứt điểm và hạn chế lây lan. Ngoài ra, cần thần tốc xét nghiệm diện rộng để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan.

Hà Nội và nhiều địa phương đang kiểm soát việc đi lại của người dân bằng giấy đi đường.
Hà Nội và nhiều địa phương đang kiểm soát việc đi lại của người dân bằng giấy đi đường.

Về việc "di chuyển xanh", bác sĩ Khanh cho rằng cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả và an toàn. Để làm được việc này, các đơn vị chức năng cần xây dựng cơ chế để người đã tiêm hai mũi vaccine COVID-19 trở lại cuộc sống "bình thường mới", tham gia sản xuất, kinh doanh. Đây là chính sách đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện, hoàn toàn hợp lý và cần được áp dụng sớm.  

Do đó, những "vùng xanh" tại các tỉnh thành nên tính toán thực hiện "hòa nhập" từng phần, song song với thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Việc thực hiện di chuyển xanh áp dụng với từng khu vực, từng ngành nghề, từng đối tượng. Cần có hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng (đã tiêm 2 mũi, 1 mũi, chưa tiêm, khỏi bệnh...) về nguy cơ cho bản thân, gia đình, cơ quan, đồng nghiệp.

Trong đó, yếu tố để áp dụng việc này cần dựa vào tỉ lệ tiêm chủng từng khu vực, từng ngành nghề và tỉ lệ lây nhiễm ở những nơi đó. Riêng với người tiêm đủ 2 mũi vaccine, cần có quy định được đi đến đâu, tham gia các công việc gì, hoạt động cộng đồng ở mức độ nào; đồng thời cần đẩy mạnh tiêm chủng càng nhanh càng tốt để tất cả đối tượng đều đạt 2 mũi vaccine.

Việc áp dụng cơ chế di chuyển xanh cần phải xem xét cụ thể từng nơi, khu vực được phép hoạt động. Bên cạnh người tiêm đủ 2 mũi vaccine, một số nhóm khác có thể tham gia là người mắc COVID-19 đã được chữa khỏi; người tiêm một mũi qua 14 ngày; các gia đình trẻ.

Ứng dụng công nghệ cho di chuyển xanh

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Đại học Bách Khoa, Hà Nội, để di chuyển an toàn, bên cạnh việc tuân thủ quy định đeo khẩu trang, hoạt động vùng xanh thì cần áp dụng công nghệ để quản lý. Trong đó, người dân cần tuân thủ việc khai báo y tế trước khi ra khỏi nhà. Cần nêu rõ điểm đến, cung đường, tình trạng sức khoẻ để quản lý.

Một số ý kiến đề xuất cần có cơ chế kiểm soát việc di chuyển xanh.
Một số ý kiến đề xuất cần có cơ chế kiểm soát việc "di chuyển xanh".

Nếu bản thân một người di chuyển an toàn thì không làm lây lan dịch bệnh, vẫn bảo đảm vận hành xã hội, duy trì các hoạt động của doanh nghiệp. Lượng người được tiêm vaccine 2 mũi chính là những con người có thể di chuyển an toàn. Do đó, cần phải huy động những con người này để bù đắp lại cho cái phần di chuyển không an toàn mà chúng ta đang hạn chế, đảm bảo mục tiêu kép.

Vì vậy, cần ứng dụng công nghệ với các giải pháp như định danh cá nhân, tích hợp dữ liệu thì sẽ dễ dàng biết được tình trạng y tế của một cá nhân. Các ứng dụng thông minh cũng sẽ kịp thời thông tin tới người sử dụng về các mối nguy cơ tại các khu vực liên quan. Việc ứng dụng kiểm soát ra vào các điểm bằng mã QR thì công tác truy vết sẽ rất nhanh và hiệu quả. Ví dụ, kiểm soát đã tiêm vaccine chưa? Kết quả xét nghiệm gần nhất là như thế nào? Có di chuyển qua các vùng nguy cơ cao không?...

Ông Thịnh đề xuất các địa phương cần có dữ liệu tích hợp, có thói quen sử dụng công nghệ. Các thiết bị, ứng dụng theo dõi sức khỏe cá nhân sẽ giúp cơ quan chức năng, đội ngũ y tế giám sát tình trạng sức khỏe bệnh nhân để kịp thời tư vấn từ xa, thay vì phải luôn trực chiến.

Theo laodong.vn
back to top