Công thức cũ đã lệch
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%. Với kết quả này, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dầu vậy GDP vẫn là một trong 4/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch (GDP kế hoạch tăng khoảng 6,8%), trong khi Chỉ số Giá tiêu dùng được dự báo vẫn tăng 3,5 - 3,9%. Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,8%.
Tranh luận về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, trong bối cảnh rất đặc biệt của năm 2020 với tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, nếu vẫn dùng công thức cũ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thì sẽ bị lệch.
Ông Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh đặc biệt hiện nay không nên đặt nặng tăng trưởng cao hay thấp. Lúc này, phải làm sao giữ gìn không để doanh nghiệp “chết” và đảm bảo an sinh xã hội. Hiện nay, doanh nghiệp đang tổn hại nặng nề, nếu họ chết thì “năm sau, năm sau nữa, thiệt hại của nền kinh tế sẽ nặng nề thêm”.
Theo ông Tuấn, tăng trưởng dương đã là tốt rồi, từ 1 - 2% là tuyệt vời, quan trọng là bảo tồn lực lượng doanh nghiệp. Chính phủ nên có giải pháp mạnh như giảm thuế sâu hơn để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, chứ không nên chỉ giãn/hoãn, vì giãn/hoãn thì sau đó doanh nghiệp vẫn phải nộp. Trong bối cảnh hiện nay không nên đặt quá nặng chỉ tiêu thu ngân sách.
Nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội cho rằng, GDP tăng 2% cũng rất đáng ghi nhận. Nên tách riêng năm 2020 để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và không nên đặt nặng chỉ tiêu tăng trưởng. Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đặc biệt để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp 50% vào GDP thì rất cần chú trọng
Theo Bộ KH&ĐT, hiện nay tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP không thay đổi đáng kể trong giai đoạn 2016 - 2020 và vẫn nhờ vào bộ phận kinh tế cá thể, chủ yếu trong các ngành, lĩnh vực thương mại, dịch vụ; vai trò của kinh tế tư nhân trong các ngành, lĩnh vực sản xuất vật chất còn mờ nhạt. Vẫn còn ít doanh nghiệp lớn đóng vai trò mũi nhọn, đầu đàn.
Theo Dự thảo Báo cáo Kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, giai đoạn 2016 - 2020, phát triển khu vực tư nhân vẫn còn chậm so với kế hoạch. Một số tập đoàn kinh tế tư nhân có sự phát triển, nhưng chưa thực sự mạnh, chưa có công nghệ hiện đại và chưa thể đóng vai trò nòng cốt, mũi nhọn trong phát triển kinh tế như yêu cầu đặt ra. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (hơn 97%), các doanh nghiệp vừa chiếm tỷ trọng quá ít (khoảng 1,7%) và không có sự biến động đáng kể trong giai đoạn 2016 - 2020, tạo thành điểm khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng.
Xét riêng trong hệ thống các doanh nghiệp có đăng ký ở Việt Nam năm 2017, hiệu suất sinh lời trên tài sản của doanh nghiệp khu vực tư nhân chỉ đạt 1,8%, trong khi mức bình quân của các doanh nghiệp là 2,9%. Hiệu suất sinh lời trên doanh thu của doanh nghiệp tư nhân là 2,4%, còn thấp so với mức bình quân các doanh nghiệp (4,1%).
Làm gì để tăng tốc?
Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã bắt đầu được phác thảo. Kèm theo đó là xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Khi đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động lớn tới kinh tế cả thế giới thì kế hoạch cho phục hồi và tăng trưởng cần những hành động đặc biệt. Nhiều ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ thứ 2 là rất cần thiết vừa để cứu doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, vừa để kích thích tăng trưởng.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần đánh giá kỹ hơn về các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Gói này mới thực hiện được 25 - 30%, nên khoảng 70% chưa thực hiện chắc chắn phải là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại và gối đầu lên năm 2021.
Ông Lực cho rằng, chưa biết khi nào Covid-19 mới được kiểm soát, trong khi doanh nghiệp đang rất khó khăn, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng năm 2020 tăng 71%. Do vậy, rất cần thiết có gói hỗ trợ đợt hai. Gói thứ hai, theo ông Lực, quy mô 2 - 2,5% GDP và thời hạn hết năm 2021, sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng 1%, nhưng đó là điều cần chấp nhận.
Kinh tế 2020 dù vẫn tăng trưởng dương và kết quả đó là tích cực so với kinh tế toàn cầu nói chung, nhưng rõ ràng, nếu không nhanh chóng tận dụng cơ hội và hành động nhanh nhạy, Việt Nam không thể sớm phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, quốc gia nào càng kết thúc dịch sớm, càng chuẩn bị sớm các điều kiện phục hồi, thì sẽ càng nắm bắt được cơ hội để thay đổi và phát triển. Bởi thế, chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh “bình thường mới” là cần thiết.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kịch bản trước mắt, Việt Nam phải tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây chính là mục tiêu tổng quát được đặt ra trong Dự thảo Kế hoạch 2021. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng được đặt ra là 6 - 6,5%, một con số được cho là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, đủ để nền kinh tế dần phục hồi và chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc.
Theo ông Bùi Quang Tuấn, để phục hồi, bên cạnh các giải pháp như thúc đẩy đầu tư công, xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, cần tập trung vào “duy trì sự sống cho doanh nghiệp”, hỗ trợ họ nhiều hơn. Doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển sang chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Con đường duy nhất là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng, để phục hồi và tăng tốc, Việt Nam phải thúc đẩy kinh tế số, cũng như xây dựng các thể chế cho các mô hình kinh tế mới.