Chọn ô tô cũ, tránh ôm phải “cục sắt”

Những chiếc xe ô tô cũ được rao bán với giá khá hấp dẫn, thậm chí chỉ vài chục triệu đồng/chiếc là lựa chọn không tồi với người ít tiền. Song khi mua xe ô tô cũ, cần có những kinh nghiệm cơ bản, tránh “rước phải cục sắt vụn”.

Đủ kiểu “mông má”

Hiện nay, trên các website bán ô tô cũ có rất nhiều chiếc xe được giao bán với giá chỉ hơn 100 triệu đồng/chiếc; thậm chí là vài chục triệu đồng/chiếc. Việc mua xe ô tô cũ để sử dụng hoặc kinh doanh là phương án được khá nhiều người đặt ra vì nó tiết kiệm khoản chi phí không nhỏ.

Tuy nhiên, chọn xe ô tô cũ thế nào để tránh mua phải “cục sắt vụn”, tiền mất tật mang, lại là vấn đề nan giải. Bởi hiện nay, công nghệ “mông má” biến ô tô cũ nát trông có vẻ như mới khá phát triển. Dù là có giá rẻ thì một chiếc ô tô cũ cũng là tài sản lớn.

KS Lê Văn Tạch, nguyên cán bộ Công ty Toyota Việt Nam cho biết, giá xe cũ phụ thuộc chính vào chất lượng còn lại của xe (hao mòn hữu hình), chính sách điều chỉnh thuế (hao mòn vô hình) và sự lạc hậu về công nghệ so với xe mới. Về chất lượng còn lại của xe thì rất khó để đánh giá một cách chính xác.

Nó phụ thuộc vào thời gian đã vận hành (thể hiện ở số Km), cách thức sử dụng và bảo quản, các tổn hại do do các vụ tai nạn… Những cái này thì thường không được người bán chia sẻ đầy đủ. Ngay cả số Km cũng có thể điều bị chỉnh theo ta muốn của người bán.

Khi mua xe cũ, phải chấp nhận rủi ro. Để giảm thiểu rủi ro thì nên có những hiểu biết căn bản về xe. Không nên mua xe chỉ dựa trên cái vỏ bên ngoài, vì phần giá trị của xe là máy móc và các phụ tùng bên trong. Ngay cả những xe bị lật hay va chạm “nát bét”, đội thợ lành nghề chỉ cần gò hàn, đắp, đánh bóng phục hồi là sẽ như mới.

Do vậy, mua xe ô tô cũ phải dựa trên một số tiêu chí như xe sản xuất năm nào, máy móc ra sao, đi được bao nhiêu km… Nếu không chắc chắn thì cứ dựa trên năm sản xuất mà trừ khấu hao. Cách tính hao mòn hữu hình là xe bị giảm khoảng 10% giá trị còn lại sau mỗi năm sử dụng. Ví dụ, xe một tỷ đồng thì sau hai năm chỉ còn khoảng 810 triệu đồng.

Xe tồn kho cũng bị coi là xe cũ

Theo kỹ sư Tạch, do nhiều hãng ô tô có thị phần rất nhỏ nên có thể có xe bị tồn rất lâu. Thời gian tồn có những mẫu xe có thể lên tới vài năm. Mà xe ô tô khi tồn kho thì thường không được bảo quản tốt (thường để ngoài bãi) nên ngoài suy giảm chất lượng do thời tiết thì còn có thể bị chuột cắn…

Do đó khi mua xe, có thể người mua bỏ tiền ra lấy xe mới, nhưng thực chất lại phải nhận về xe cũ. Về phương pháp nhận biết, kỹ sư Tạch chia sẻ: Theo quy luật dập số VIN (số nhận dạng xe gồm 17 ký tự) thì năm 2015 ký tự thứ 10 là H, năm 2016 là G và 2017 là I. Như vậy có thể dựa vào số VIN để xác định chiếc xe định mua được sản xuất vào năm nào.

Bên cạnh đó, nếu muốn biết xe được sản xuất vào tháng nào thì tham khảo thông tin, thời gian sản xuất lốp được dập trên lốp. Thông tin này đắt trong hình ô van và có 4 số ở cuối.

Trong bốn số đó có hai số đầu tiên ghi tuần thứ bao nhiêu trong năm, côn hai số còn lại ghi hai số cuối của năm sản xuất lốp. Thông thường, lốp từ khi sản xuất đến khi được lắp vào xe chỉ khoảng một tháng. Vậy nên từ đó có thể tham khảo để biết thời gian xe được sản xuất.

Theo KS Lê Văn Tạch, để tránh mua phải những chiếc ô tô cũ đã được phục chế lại, người tiêu dùng cần tự mình kiểm tra các thông tin về đăng ký, đăng kiểm xe, hồ sơ bảo hành, bảo dưỡng và các giấy tờ mua xe (nếu có). Khi mua xe của cá nhân, nên yêu cầu đến trung tâm bảo dưỡng chính hãng để kiểm tra kỹ toàn bộ xe cho chắc chắn.

Theo KS Lê Văn Tạch, phải xác định mua xe cũ sẽ có rất nhiều rủi ro. Tốt nhất là mua xe ở các cửa hàng có bảo hành, nên nhờ người có kinh nghiệm trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng xe để kiểm tra, đánh giá một cách cẩn thận tránh rủi ro.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top