Chọn nấm ăn Tết tốt cho sức khỏe

(khoahocdoisong.vn) - Các loại nấm là nguồn phong phú protein, vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Với hàm lượng natri thấp, ít chất béo, giàu chất xơ, kali…nấm là sự lựa chọn hoàn hảo với một bữa ăn có lượng dưỡng chất cao. Hơn nữa, ăn nấm còn có tác dụng phòng và chữa bệnh.

Nấm hương tốt cho tiêu hóa, tiết niệu: Còn gọi là nấm đông cô, hương cô, hương tín, hương tẩm..., được mệnh danh là “hoàng hậu thực vật”, là “vua của các loại rau” (can thái chi vương). Trong 100g nấm hương khô có 12-14 g protein (vượt xa so với nhiều loại rau khác). Nấm hương có tác dụng điều tiết chuyển hóa,  tăng cường năng lực miễn dịch của cơ thể, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa sỏi mật và sỏi tiết niệu, trợ giúp tiêu hóa...

Đây là thức ăn lý tưởng cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, trẻ em suy dinh dưỡng. Chất lentinan, một polysaccharid tan trong nước được chiết xuất từ nấm hương là thuốc chống ung thư ở Nhật. Một polysaccharid có phân tử lượng cao khác (KS-2) cũng có tác dụng chống lại sarcoma 180 và ung thư biểu bì. Chất aritadenin còn làm giảm cholesterol trong máu.

Nấm kim châm giảm huyết áp, ngừa ung thư: Nấm kim châm rất hữu ích cho người già, người bị huyết áp cao. Nấm kim châm nhiều vitamin, axit amin, lysine rất cần cho quá trình sinh trưởng, cải thiện chiều cao và trí tuệ trẻ em, hạ mỡ máu, phòng chống bệnh lý viêm loét đường tiêu hoá và bệnh gan mật.

Thành phần nấm luôn thay đổi bởi chất trồng. Polysaccharid tan trong nước là Flammulin, có tác dụng hiệu quả từ 80 – 100% trên u báng (sarcoma 180) và ung thư biểu bì. Các khảo cứu ở Nhật cho thấy các nhà trồng nấm kim châm ở tỉnh Nagano có tỷ lệ ung thư rất thấp so với cộng đồng.  

Nấm rơm chữa suy nhược, sinh lý yếu: Nấm rơm tính mát, vị ngọt, có công dụng bổ tỳ, ích khí, thanh nhiệt, hạ huyết áp, chống các loại u bướu. Có thể chế biến riêng nấm rơm để ăn hoặc dùng phối hợp trong các món ăn bài thuốc khác. Nấm rơm  chứa nhiều vitamin A, B1, B2, PP, D, E, riêng vitamin C chiếm đến 160mg/100gr. Ngoài ra, nấm rơm còn chứa 7 loại axit amin mà cơ thể không thể tổng hợp được.

Gần đây các nhà nghiên cứu chiết từ nấm rơm ra một chất có phân tử lượng khoảng 10 kDa có tác dụng hạ huyết áp, hoạt động như seretonin. Nấm rơm chữa được các bệnh như: Di tinh, xuất tinh sớm, liệt dương, tiểu tiện không tự chủ. Chữa cơ thể suy nhược, trí nhớ giảm sút, hỗ trợ chữa ung thư và một số bệnh truyền nhiễm. Hỗ trợ điều trị các vết lở loét khó kín miệng… Chú ý: Nấm rơm hàn mát, thịnh âm, vì vậy khi dùng nên phối hợp thêm sả, gừng, tiêu, ớt...

Nấm hải sản giảm cholesterol trong máu: Nấm hải sản còn gọi là nấm Bạch tuyết (Snow fungus Mushroom): Có màu trắng sáng, vị như hải sản, chứa nhiều protein và a xít amin, rất tốt cho sức khỏe, tăng cường sức đề kháng. Nấm bạch tuyết tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, giảm cholesterol trong máu, rất có lợi cho sức khỏe.    

Nấm tai mèo cải thiện tuần hoàn: Nấm tai mèo còn được gọi là mộc nhĩ đen: Đây là một loại nấm ăn được có giá trị bổ dưỡng rất cao, có nhiều hoạt chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp giải độc và làm chậm sự lão hoá. Đặc biệt, với tính năng lượng huyết và hoạt huyết, mộc nhỉ đen là một loại thực phẩm làm thuốc rất quý có tác dụng làm giảm cholesterol và cải thiện tuần hoàn.

  Những khảo cứu cho biết chất chiết từ nấm mèo có tác dụng hiệu quả từ 80 – 90% trên ung thư biểu bì và sarcoma 180. Phần chiết polysaccharid tan trong nước của nấm mèo làm giảm đường huyết của chuột tiểu đường do di truyền. Ngoài ra, polysaccharid chiết từ nấm mèo kích thích sinh tổng hợp ADN và ARN bởi bạch huyết bào người trong ống nghiệm.

Nấm mỡ bổ tỳ, nâng cao miễn dịch: Nấm mỡ có công dụng bổ tỳ, nhuận phế, hóa đàm, tiêu thực. Chứa nhiều chất đạm, các nguyên tố vi lượng và axit amin, có công dụng giảm lượng đường và cholesterol trong máu, ngừa bệnh ung thư và cải thiện chức năng của gan. Có chứa hợp chất ngăn cản enzym aromatas, một enzym liên kết với sinh trưởng của khối u. Hợp chất này điều trị và ngăn ngừa được ung thư vú.

Đây là thực phẩm thích hợp cho những người chán ăn, mệt mỏi do tỳ vị hư yếu, sản phụ thiếu sữa, người viêm phế quản mạn, viêm gan mạn và mắc hội chứng suy giảm bạch cầu. Theo dược lý học hiện đại, nấm mỡ rất giàu đạm, nguyên tố vi lượng và nhiều loại axit amin quý. Nó có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn và trực khuẩn ecoli.

 Các nhà khoa học Nhật Bản đã chiết xuất từ nấm mỡ chất PS - K, có công dụng kháng ung thư, nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể. Khảo nghiệm trên lâm sàng đối với ung thư vú và ung thư da thấy hiệu quả khá tốt. Để phát huy tối đa tác dụng của nó, người ta thường phối hợp nấm mỡ với nhiều loại thực phẩm khác.

Lương y Hoàng Duy Anh  (Hội Đông y Đồng Nai)

Theo Đời sống
back to top