Cần tính đến nguồn điện cho giao thông thông minh
Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) cho biết, quy hoạch điện VIII cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu điện năng trong tương lai để xử lý bài toán cân bằng cung cầu và cũng chính là đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Tuy nhiên, trong dự thảo, cách dự báo nhu cầu phụ tải trong tương lai lại đặt ra nhiều câu hỏi. Có một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam dự đoán sẽ là một nguồn phụ tải lớn và cũng chưa được đề cập tới trong Quy hoạch lần này. Đó chính là hệ thống giao thông thông minh, phương tiện giao thông sử dụng điện như xe buýt điện, tàu điện cao tốc… Việt Nam đã có những doanh nghiệp đầu tư lớn để sản xuất phương tiện giao thông sử dụng điện như xe buýt, xe du lịch, nhỏ hơn có xe máy và xe đạp điện… Do chưa được đánh giá đúng mức về nhu cầu nên chưa có sự chuẩn bị về hạ tầng lưới điện phân phối. Khả năng bùng nổ của các phương tiện này trong tương lai là rất lớn, đồng thời gây áp lực không hề nhỏ lên hệ thống điện.
“Xe buýt điện đang được quy hoạch, thí điểm tại Hà Nội, TPHCM. Với số lượng 100 - 200 xe với pin công suất xấp xỉ 300kWh cho 2 thành phố, nhu cầu điện năng và áp lực lên đường dây truyền tải là không đáng kể. Tuy nhiên, nếu lượng xe được đưa vào sử dụng nhiều hơn, câu chuyện sẽ rất khác. Đó là chưa tính tới nhu cầu sử dụng ô tô cá nhân của hộ gia đình có thể lên tới hàng trăm nghìn chiếc cùng được nạp điện đồng thời… Sạc pin xe điện sẽ là bài toán nghiêm túc chúng ta cần đặt ra để có sự chuẩn bị hạ tầng phân phối đúng mức. Ngoài ra, những chủ trương phát triển tàu cao tốc Bắc - Nam là có, nhưng bài toán về năng lượng như thế nào, hình như vẫn chưa được tính đến”, bà Ngô Thị Tố Nhiên cho hay.
Cân bằng cung – cầu về điện
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, tư vấn độc lập các dự án về môi trường, năng lượng… đã phân tích cân bằng từng nguồn năng lượng để có cơ cấu nguồn điện hợp lý, cân bằng. Dịp Tết vừa qua, trước nguy cơ công suất phụ tải toàn quốc tại một số thời điểm thấp điểm chỉ có 15.000MW (thấp hơn cả lượng công suất đặt của điện mặt trời), Bộ Công Thương đã có văn bản hoả tốc yêu cầu cấp bách trong vận hành và đảm bảo an toàn hệ thống điện, trong đó xác định trường hợp hệ thống điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện. Cân bằng các nguồn điện thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng là bài toán cần giải.
Điện than muốn nhóm lò mất ít nhất 3 giờ đồng hồ, dài là 10 giờ. Mỗi lần nhóm lò rất tốn kém và ô nhiễm môi trường. Hơn 20GW công suất đặt của các nhà máy điện than có khoảng 18GW đang hoạt động và chỉ có thể giảm tối đa xuống 12GW. Thủy điện có thể đóng góp cho tăng giảm vì khả năng khởi động nhanh, nhất là khi chủ động chạy không tải, nhưng không nhiều vì mùa khô chính thủy điện phải "ăn đong". Công suất thủy điện mùa khô khoảng cỡ 8GW. Giảm hết cỡ còn khoảng 2GW.
Điện khí là nguồn tuyệt vời để phát vào lúc trời chập tối vì khả năng tăng giảm công suất của điện khí rộng, có thể đạt 5 lần. Nhưng tổng công suất điện khí của Việt Nam chỉ có 8,2GW, trừ 10% bảo dưỡng còn 7GW. Điện diesel khởi động nhanh, công suất linh hoạt nhờ điều phối số tổ máy. Nhưng diesel kịch cỡ chỉ có chưa đầy 1GW mà giá đắt vô cùng. Nó là dự bị chiến lược cho những đợt nắng nóng cao điểm, hay mất điện đột ngột. Điện gió, sinh khối, nhập khẩu cỡ 2GW. Không có khả năng tăng theo lệnh mà chỉ có thể giảm nhờ cắt điện gió.
Giải pháp đặt ra để cân bằng nguồn cung điện là: Tăng công suất điện khí lên khoảng 30% tổng công suất đặt (hiện nay 12%), cao hơn cả kế hoạch trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Điện khí vừa khởi động nhanh (nếu chu trình đơn), vừa có thể tăng giảm công suất rộng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải có giải pháp lưu trữ điện, nhưng chỉ là lưu trữ để đảm bảo tần số khi có biến động. Lưu ý, khi đó giá thành điện sẽ tăng cao. Cuối cùng là sử dụng các biện pháp quản lý bên người dùng bao gồm tạo ra biểu giá để thay đổi thói quen dùng điện và tiết kiệm điện luôn là giải pháp cả thế giới áp dụng.