Chính quyền "bất lực" xử lý công ty khai thác than?

(khoahocdoisong.vn) - Trong suốt thời gian dài, Công ty CP Yên Phước khai thác than tại xã Phú Cường và xã Nam Mao, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) liên tục gây ô nhiễm môi trường và gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm.

Bụi phủ 

Theo phản ánh của người dân, tình trạng ô nhiễm do Công ty Cổ phần Yên Phước gây ra đã diễn ra trong một thời gian dài. 

Ghi nhận tại các hộ dân ở ngoài mặt đường đi vào mỏ than, than bụi đầy nhà, đen sì nền hiên nhà. Tuy người dân đã sử dụng nhiều cách, nhưng bụi than vẫn bay vào nhà. Sống chung với bụi than khiến người dân ở đây rất khổ cực, nhất là đối với các cháu nhỏ, bởi bụi than rất độc và ảnh hưởng lớn đến đường hô hấp.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc khai thác mỏ than ở đây còn ảnh hưởng đến sinh kế của người dân – trồng chè. Bởi, bụi than bay mù trời, cuộn lên, bám vào các lá chè, búp chè khiến sản lượng và chất lượng chè bị giảm sút.

Chưa kể, việc khai thác mỏ ở đây dẫn đến các xe tải trọng lớn chở than chạy qua chạy lại, gây ô nhiễm tiếng ồn.

Những mỏ than đã khai thác của công ty được tập kết ngay sườn đồi, trong khe núi cách khu dân cư không xa. Những “núi than” này đang trực tiếp đe dọa đến an toàn của người dân, bởi khi mưa lũ cuốn than, nước có chất than xuống khu vực dân cư, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt và sản xuất.

Từ năm 2018, tình trạng tập kết than mất an toàn này đã được người dân phản ánh. Giữa tháng 7/2018, 2 vụ sạt lở liên tiếp còn kéo theo bùn thải độc hại từ mỏ than tràn lấp hết ra ruộng lúa và kênh rạch sông ngòi. Nguồn nước bị đầu độc, môi trường bị ô nhiễm, hàng chục ha lúa bị vùi lấp hoặc khó có khả năng cải tạo đất… 

Sau sự việc này, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã lập các đoàn kiểm tra về Công ty Yên Phước. Kết luận thanh tra số 46/KL-STNMT đã nêu lên nhiều sai phạm của doanh nghiệp nhưng kết luận chỉ ở mức nhắc nhở, xử phạt và yêu cầu doanh nghiệp bồi thường cho người dân.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng xử phạt hành chính Công ty Yên Phước 200 triệu đồng vì không kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về sự cố môi trường, không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định, không có giám đốc mỏ... 

Tháng 5/2019, mỏ than của Công ty này tiếp tục bị sạt lở khiến 4ha diện tích lúa bị đất đá vùi lấp, hệ thống mương máng bị vỡ, khoảng 1km đường bị hư hỏng, hệ thống cầu cống khu vực xung quanh bị sạt lở, xói mòn...

Các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên lại kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu Công ty Yên Phước chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Nhưng tình trạng ô nhiễm của Công ty Cổ phần Yên Phước tiếp tục tiếp diễn, đe dọa sự an toàn người dân.

Sạt lở mỏ khai thác của Công ty Yên Phước tháng 7/2018. Ảnh Trần Hòa

Sạt lở mỏ khai thác của Công ty Yên Phước tháng 7/2018. Ảnh Trần Hòa

Vết nứt trên núi Hồng

Đến đầu năm nay, sườn núi Hồng phía địa phận xóm Ao Soi, xã Na Mao và xã Yên Lãng, huyện Đại Từ có hiện tượng nứt sườn núi, sạt lở tự nhiên xảy ra trong mùa hanh khô. Đáng chú ý, ở phía trên sườn núi Hồng nơi xảy ra hiện tượng nứt núi, có mỏ than Yên Phước đang hoạt động khai thác. 

Theo phản ánh của người dân trước đó, Công ty Yên Phước đã nhiều lần dùng mìn nổ đất để tiến hành khai thác mỏ, khiến nhiều nhà cửa của người dân bị nứt. Tại xóm Ao Soi, tình trạng nổ mìn đã khiến 73/128 hộ bị nứt nhà, đe dọa trực tiếp đến mạng sống của người dân. Do đó, người dân cho rằng vết nứt của núi Hồng có liên quan đến Công ty Yên Phước. Trong khi đó, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã lập đoàn kiểm tra nhưng chưa có kết luận nguyên nhân.

Mới đây UBND huyện Đại Từ tiếp tục có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Yên Phước thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho các hộ dân gần khu vực lở đất tại xóm Ao Soi, xã Na Mao: Để đảm bảo và tài sản cho các hộ dân sinh sống gần khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở đất, sạt lở bãi thải. Đặc biệt trong mùa mưa bão sắp tới, UBND huyện yêu cầu Công ty Cổ phần Yên Phước dừng ngay việc đổ thải vào khu vực giáp ranh với khu vực đất bị lún nứt, sạt trượt tại xóm Ao Soi, xã Na Mao và thực hiện gia cố toàn bộ khu vực khai thác, hạ tải khu vực bãi đổ thải của Công ty; thường xuyên kiểm tra để có biện pháp đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

Để xảy ra tình trạng trên, ngoài việc doanh nghiệp phớt lờ quy định của Nhà nước còn có sự thiếu kiên quyết trong xử lý và nương nhẹ trong việc xử phạt của cơ quan chức năng, mà cụ thể là Sở TN&MT Thái Nguyên và cơ quan chuyên môn của địa phương.

Công ty CP Yên Phước có địa chỉ tại xã Phú Cường, huyện Đại Từ. Công ty có Giấy chứng nhận đầu tư số: 17121000015 (cấp lần đầu ngày 9/5/2014), được cấp phép khai thác mỏ than trên địa bàn xã Na Mao (Giấy phép khai thác khoáng sản số 1091/GP-UBND ngày 2/6/2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên).

Hiện doanh nghiệp này do bà Châu Thị Mỹ Linh làm đại diện pháp luật. Ngoài Yên Phước, bà Linh còn đứng tên đại diện cho thêm 9 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH sản xuất - thương mại - xây dựng Tín Phong, Công ty CP địa ốc Sài Gòn – Gia Định, Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ Minh Hưng, Công ty CP phát triển công nghệ cao quốc tế, Công ty TNHH MTV đầu tư phúc Phúc Yên và Chi nhánh mỏ than Minh Tiến - Công ty CP Kim Sơn.

Theo Đời sống
back to top