Đây là sản phẩm của em Lê Nguyễn Hoàng Ngân, học sinh lớp 12A3 và Phan Lê Thảo Phương, học sinh lớp 11A5, Trường THPT Đơn Dương, Lâm Đồng. Từ kén tằm thải, hai nữ sinh phải tách chiết fibroin, sau đó nghiên cứu tạo màng sinh học bằng phương pháp chiếu xạ gamma. Bước tiếp theo là điều chế dung dịch fibroin tơ tằm, tạo thành một loại dung dịch như nước, có thể nhúng trực tiếp dâu tây vào để tạo một lớp màng trong suốt bao quanh trái dâu. Lần thử nghiệm đầu tiên, màng phủ fibroin vẫn chưa đạt kết quả tối ưu, trái dâu vẫn xuất hiện nấm. Sau khi nghiên cứu và được hướng dẫn, hai em điều chế thêm tinh dầu chanh, pha trộn vào dung dịch fibroin và đạt được kết quả như mong muốn. Trái dâu tây sau khi được nhúng qua dung dịch fibroin bảo quản tươi đến 7 ngày (trong điều kiện lạnh), để khô được khoảng 50 ngày mà không bị hư, thối. Lớp màng sinh học này hoàn toàn không độc hại cho người sử dụng, có thể ăn trái dâu có phủ lớp màng fibroin mà không cần rửa.
Theo tính toán, 10kg kén tằm thải có thể điều chế được 1 lít dung dịch fibroin, mỗi lít dung dịch này nhúng được 200kg trái dâu tây. Đây là giải pháp giúp nhà vườn ở Đà Lạt bảo quản tốt hơn cho trái dâu tây hiện đang có giá trị kinh tế cao.