Chia sẻ dữ liệu vệ tinh cảnh báo thiên tai

(khoahocdoisong.vn) - Dữ liệu cung cấp từ vệ tinh có thể phục vụ đắc lực cho việc dự báo và cảnh báo sớm thiên tai. Đây cũng là mục tiêu hướng đến khi Việt Nam xây dựng Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ.

Dữ liệu từ vệ tinh có thể phục vụ đắc lực cho việc dự báo và cảnh báo sớm thiên tai. Đây cũng là mục tiêu hướng đến khi Việt Nam xây dựng Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ.

Dự báo năng suất, sản lượng lúa

Đầu tháng 7 vừa qua, Phiên họp của Ủy ban Vũ trụ Việt Nam lần thứ ba sơ kết Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 đã được tổ chức. Bà Nguyễn Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ NN&PTNT, cho rằng, kể từ năm 2006 – năm phê duyệt Chiến lược, Bộ NN&PTNT đã từng bước áp dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vào các hoạt động quản lý, tổ chức điều hành sản xuất ví dụ như các ứng dụng liên quan đến dự báo mùa màng, dự báo sản lượng các cây trồng quan trọng như lúa, cà phê…; các cảnh báo phòng chống thiên tai, chống xói lở, kịp thời có phương án ứng phó cho công tác thủy lợi; định vị các tàu cá trong đánh bắt thủy hải sản xa bờ… Nhờ những thông tin được phân tích kịp thời trên cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám, những quyết định đã được đưa ra một cách nhanh chóng và kịp thời.

Trên thực tế, công nghệ vũ trụ đã từng bước tham gia vào quá trình sản xuất gieo trồng của người nông dân Việt Nam. Theo một đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014, các nhà nghiên cứu đã bước đầu dự báo năng suất lúa dựa vào kết quả đánh giá sức khỏe lúa trên ruộng tỉnh An Giang thông qua việc nhận biết quá trình sinh trưởng của lúa với độ chính xác đạt 95 đến 97% ở các xã thuần trồng lúa và 92 đến 94% ở các xã có lúa lẫn màu. Bên cạnh đó, những vấn đề về diện tích lúa bị hạn hán, ngập úng, xâm nhập  mặn, tình hình lúa bị nhiễm sâu bệnh ở các mức độ khác nhau, những cảnh báo về dịch hại hay việc phân bố nguồn nước tưới… đều được cập nhật một cách thường xuyên nhờ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý ảnh vệ tinh.

Cảnh báo sớm thiên tai

Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương cho biết, trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như dầu khí, thủy điện… đều có ứng dụng công nghệ vũ trụ. Hiện tại, ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh đã góp phần vào việc vận hành các công trình thủy điện hay cung cấp số liệu khí tượng, thủy văn phục vụ điều hành đập tràn, hồ chứa… Để đảm bảo an toàn trên bậc thang thủy điện sông Đà với hệ thống liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Bản Chát và Huội Quảng, nếu không có những dữ liệu ảnh vệ tinh thì việc điều hành các hồ này trong mùa lũ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tại phiên họp Hội đồng Tổ tư vấn KH&CN về An toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà ngày 21/6/2019 vừa qua, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đã xác nhận, không có cách nào có được thông tin cần thiết từ Trung Quốc. Với sự hỗ trợ của ảnh vệ tinh và dữ liệu quan trắc từ một số trạm mới thành lập, các nhà máy thủy điện trên sông Đà đã có thể chủ động vận hành sản xuất điện, đồng thời giữ được an toàn hồ đập khi mùa lũ đến.

Tuy nhiên, để triển khai được các đề tài, nhiệm vụ có ứng dụng công nghệ vũ trụ, Bộ NN&PTNT đã phải chủ động lồng ghép, đưa vào các chương trình có nội dung liên quan như phòng chống thiên tai, các công tác chỉ đạo điều hành sản xuất, chiến lược phát triển của riêng chứ chưa được thực hiện bài bản, có lộ trình. Để mở rộng các ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cần có cơ chế chia sẻ thông tin, báo cáo, cập nhật thông tin về ứng dụng công nghệ vũ trụ của từng ngành, từng lĩnh vực với các thành viên của Ủy ban.

Theo Đời sống
back to top