Cần lựa chọn kỹ càng cách thức tiến hành
Sau hơn 3 tháng, ban lãnh đạo chống dịch tại TPHCM đã có nhiều bước chuyển hướng theo kịp tình hình dịch bệnh.
Phủ văcxin ngừa Covid-19 toàn dân là đáp án cho bài toán giảm thiểu lây lan trong cộng đồng và thuốc kháng virus đặc hiệu là đáp án cho câu chuyện ngăn ngừa bệnh Covid-19 trở nặng.
Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình 2 vấn đề này lên việc quản lý Covid-19, TPHCM cần lựa chọn kỹ càng cách thức tiến hành.
Đối với việc tiêm văcxin, tiến hành nhanh chóng là đúng đắn, nhưng không được quá “thần tốc”. Tập trung nhiều người dân tại cùng một thời điểm làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Các địa phương nên có kế hoạch phân nhỏ dân đến điểm tiêm theo từng khung giờ, từng tổ dân phố, tránh tình trạng ùn ứ.
Trong điều kiện chưa cung ứng đủ văcxin, đối tượng được ưu tiên tiêm ngừa là người lớn tuổi, bệnh nền và béo phì. Đây là những người có nguy cơ cao trở nặng khi mắc Covid-19.
Đối với thuốc kháng virus, thế giới và Việt Nam đều đang cho thử nghiệm lâm sàng nhóm monulpiravir, nếu thành công và được chấp thuận sử dụng phổ biến, người dân sau khi tiếp xúc hoặc phơi nhiễm virus có thể dễ dàng tiếp cận, bệnh Covid-19 sẽ được điều trị dễ dàng như cảm cúm thông thường.
Tuy nhiên, thời điểm dùng thuốc kháng virus phải thật sớm mới có hiệu quả và chỉ có thuốc dạng viên uống mới giải quyết được vấn đề. Thuốc remdesivir cũng là thuốc kháng virus, nhưng là thuốc dạng tiêm chỉ dùng trong bệnh viện nên người dân không thể tiếp cận sớm trong quá trình bệnh được. Ngoài ra, một số thuốc kháng virus khác như ribavirin hay favipiravir cũng có hiệu quả với SARS-CoV-2 và cũng cần được đưa vào nghiên cứu đánh giá.
Mô hình phủ văcxin toàn dân kết hợp phổ biến sớm thuốc kháng virus là giải pháp tối ưu để thay thế cho mô hình giãn cách xã hội nhiều ngày qua, giúp nền kinh tế mau phục hồi. Ngoài ra, tuân thủ tốt 5K, nhất là khẩu trang và rửa tay thường xuyên, luôn luôn là nền tảng cho tất cả các mô hình chống dịch.
Toa thuốc cho các ca F0 nhẹ theo dõi tại nhà
Đa số các ca F0 đều là nhẹ và tự khỏi, do đó vấn đề quan trọng hàng đầu là phải biết tuân thủ cách ly và theo dõi dấu hiệu nặng. Tuân thủ cách ly là nghĩa vụ của các ca F0 với cộng đồng giúp giảm thiểu nguồn lây, sớm đưa xã hội bước ra khỏi tình trạng giãn cách quá lâu.
Người bệnh cần báo cáo cho y tế địa phương nắm tình hình, tiến hành cách ly cho đến khi khỏi bệnh và có xét nghiệm PCR âm tính. Theo dõi dấu hiệu nặng là quyền lợi các ca bệnh cần biết để kịp thời nhập viện và được điều trị chuyên sau, những trường hợp nặng không thể tự dùng thuốc tại nhà.
Về mặt thuốc men, các gia đình nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt (paracetamol), thuốc ho long đàm (siro ho cho trẻ, acetylcystein hoặc bromhexin cho người lớn), gói nước biển khô để bù nước và điện giải khi có sốt cao hay tiêu chảy kèm theo, vitamin D để tăng sức đề kháng.
Đó là sự chuẩn bị hết sức cần thiết và tích cực, đồng thời tránh việc tìm mua các thuốc không có tính an toàn để tự điều trị (như xuyên tâm liên, ivermectin, hydroxychloroquine, corticoid, kháng sinh…), tránh uống nước chanh gừng xả thay nước thường sẽ gây rối loạn tiêu hóa.
Một số kháng sinh như azithromycine hoặc clarithromycine, điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra, có hiệu quả rất khiêm tốn đối với virus. Nếu dùng các kháng sinh này tràn lan, xã hội tương lai sẽ đối mặt với làn sóng đề kháng kháng sinh trong các bệnh nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, việc phối hợp azithromycine với thuốc kháng sốt rét hydroxychloroquine còn làm tăng nguy cơ ngộ độc tim, gây rối loạn nhịp và tử vong.
Bệnh thường trở nặng trong ngày 7 - 10 với các biểu hiện như khó thở, thở nhanh, mệt tăng lên, thở co kéo và rút lõm ngực, đau tức ngực, sốt cao không giảm sau một tuần nhiễm virus. Người dân nên mua máy đo SpO2 tại nhà để theo dõi độ bão hòa oxy máu, khi chỉ số này từ 94% trở xuống, báo ngay y tế để xin hỗ trợ oxy và nhập viện.
Bỏ ăn sẽ làm suy kiệt, giảm sức đề kháng
Vấn đề quan trọng kế tiếp mà người bệnh cần quan tâm là tâm lý và dinh dưỡng. Có thể nói, tâm lý ổn định, dinh dưỡng đầy đủ và tránh lạm dụng thuốc là chìa khóa giúp 80% các ca F0 lành bệnh ngay tại nhà. Mọi người đều có khả năng trở thành F0 khi sống trong vùng dịch, do đó chúng ta luôn chủ động chuẩn bị trước để tránh tâm thế bối rối, hoảng loạn.
Khi bệnh, cơ thể sẽ mệt mỏi và thường không muốn ăn, tuyệt đối không được bỏ ăn, nếu không ăn cơm, ăn cháo hoặc ngũ cốc, tránh việc chỉ uống sữa cả ngày vì sữa không đủ dinh dưỡng.
Nhiều người nhiễm bệnh trở nặng chỉ vì không chịu ăn uống dẫn đến suy kiệt, giảm sức đề kháng nhanh chóng. Về mặt tâm lý, mỗi người dân hãy thật thoải mái vì có đến 80% F0 chỉ biểu hiện triệu chứng như cảm cúm thông thường. Càng thoải mái và lạc quan, bệnh càng nhanh khỏi, lo âu hoặc hoảng loạn đã được chứng minh là yếu tố làm bệnh trở nặng.
Hãy ăn uống điều độ khi mắc bệnh, thả lỏng đầu óc để cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn cả về thể chất lẫn tinh thần. Phương tiện chiến thắng bệnh tật nằm ngay tại bản thân mỗi người.
Bất kỳ ai khi mắc bệnh cũng lo lắng, nhất là một căn bệnh còn quá mới lạ như Covid-19, tuy nhiên các thuốc đều phải được tìm hiểu thật kỹ hoặc được tư vấn của các bác sĩ chuyên môn mới sử dụng. Người dân cần bĩnh tĩnh trước làn sóng thông tin sai nhiễu, đừng bao giờ đem thân mình đi thử thuốc, hậu quả sau này bản thân sẽ phải gánh lấy.
ThS.BS Lê Quốc Tuấn (Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM)