1. Thuốc hạ sốt, giảm đau: Tốt nhất là sử dụng các thuốc có hoạt chất Acetaminophen. Thuốc do các hãng khác nhau sản xuất có tên khác nhau nhưng cùng là 1 loại: Paracetamol, Acemol, Panadol, Tylenol, Efferalgan, Hapacol… Thuốc có 2 tác dụng: Hạ sốt và giảm đau. Do đó, vẫn dùng được nếu có đau mỏi cơ chứ không nhất thiết phải sốt. Khoảng cách an toàn là mỗi 6 tiếng. Hàm lượng 500mg/lần cho người lớn.
Về thuốc hạ sốt, giảm đau, hạn chế sử dụng thuốc có hoạt chất Ibuprofen ví dụ như trên thị trường có Alaxan. Có một vài nghiên cứu thấy chất này làm tệ hơn trình trạng bệnh ở bệnh nhân Covid, một số nghiên cứu khác thì lại không. Do đó, tốt nhất là hạn chế dùng. Ngoài ra, thuốc có chứa Ibuprofen hay kích ứng dạ dày nên cần phải uống bụng no nếu có dùng. Tuy nhiên, Ibuprofen có tác dụng mạnh hơn do đó nếu paracetamol không cải thiện thì có thể dùng Ibuprofen.
2. Thuốc kháng sinh: Các đơn thuốc trên mạng hay thấy xuất hiện kháng sinh trong đó và thậm chí còn phối hợp 2 loại kháng sinh với nhau ví dụ như Azithrommycin 500mg và Cefxin 200mg. Đúng là thời gian đầu, theo quan sát của các nhà khoa học thuốc kháng sinh Azithromycin có tác dụng kháng virus nhẹ. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay theo rất nhiều nghiên cứu cho kết luận là kháng sinh Azithromycin hoàn toàn không có tác dụng gì cả ở người mắc Covid. Do đó, mọi người không cần dùng bất cứ kháng sinh gì vì đây là bệnh virus, kháng sinh không có tác dụng.
3. Thuốc kháng viêm: Các đơn thuốc trị Covid trên mạng đều thấy có thêm 1 loại kháng viêm ví dụ như Methylprednosolone, Prednisone, Dexamethasone, Solupred, Medrol... Theo các nghiên cứu cho thấy kháng viêm dùng ở người chưa có biến chứng nặng sẽ không có tác dụng mà thậm chí còn làm bệnh nặng thêm vì nhóm này sẽ làm ức chế hoạt động của hệ miễn dịch. Nên không tự ý dùng nhóm thuốc này dù là hàm lượng nhỏ. Đúng là nhóm thuốc này có sử dụng cho bệnh nhân Covid nhưng sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu suy hô hấp nhẹ.
4. Thuốc kháng đông: Liên hệ với bác sĩ ngay để được kê đơn thuốc kháng đông khi bắt đầu có triệu chứng sớm của suy hô hấp.
5. Thuốc ho, thuốc kháng histamin, nước muối sinh lý, xịt mũi...: Ví dụ như Attusin, Loratadin… Các nhóm thuốc này có tác dụng giảm ho, giảm các triệu chứng xuất tiết đường hô hấp như sổ mũi, chảy mũi, hắc hơi, tăng tiết đàm… nên có thể dùng được. Các loại thuốc ho thảo dược như Pectol, Prospan, Astex đều có thể dùng được bình thường. Ngoài ra, để thông thoáng đường hô hấp, có thể sử dụng thêm nước muối sinh lý dạng xịt: ví dụ như Xisat, Sterimar, Sinomarin, Humer…
6. Nhóm thuốc vitamin và khoáng chất: Thường thấy trong toa có kẽm, vitamin C liều cao, vitamin 3B. Tất cả đều tự dùng được. Kẽm được ghi nhận từ lâu là làm giảm triệu chứng, độ nặng và thời gian mắc bệnh của cúm mùa thông thường. Tác dụng của kẽm đối với Covid không mạnh bằng với cúm mùa nhưng có còn hơn không. Kẽm trên thị trường có nhiều loại, sử dụng loại nào cũng được: fazincol, zinckid… Có thể dùng từ 1 - 2 viên mỗi ngày. Kẽm nên sử dụng sớm ngay khi có xuất hiện triệu chứng đầu tiên sẽ có hiệu quả hơn hoặc có thể sử dụng dự phòng ở người có nguy cơ mắc (ví dụ F1) càng tốt (sử dụng dự phòng thì chỉ được dùng 1 viên/ngày). Nên dùng thêm vitamin tổng hợp hơn là chỉ có vitamin C. Vitamin thì nên chọn loại đa sinh tốt trong đó có chứa nhiều chất càng tốt: các loại vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin D và các khoáng chất khác nhau như canxi, đồng, Mg…
7. Nhóm thuốc trị tiêu chảy: Nếu có tiêu chảy thì dùng thêm men vi sinh (ví dụ như Enterogermina, Probio, Antibio…) và có thể dùng thêm thuốc tráng niêm mạc ruột như Smecta. Nếu tiêu chảy nhiều nước thì mua thêm dung dịch bù nước Oresol pha nước uống thêm.
TS.BS Trương Quốc Cường (giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM)