Trạm y tế lưu động quản lý hiệu quả F0 tại nhà

Mô hình trạm Y tế lưu động được thiết lập rộng khắp ở tâm dịch TP.HCM. Cùng lực lượng y bác sĩ quân đội, các tình nguyện viên, cán bộ đoàn nhập cuộc tích cực, đến từng hẻm nhỏ, vào từng nhà F0 đang theo dõi sức khoẻ tại nhà để hỗ trợ.

Để đôn đốc công tác chăm sóc F0 tại nhà hiệu quả nhất, ngày 3/9, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cùng Tổ công tác Bộ Y tế đã đến kiểm tra, nắm bắt tại một cơ sở y tế tuyến phường.

Trạm y tế lưu động quản lý hiệu quả F0 tại nhà  - Ảnh 2.

Ông Khoa (bên phải) kiểm tra túi thuốc cho F0 tại nhà và yêu cầu Trạm y tế phường 2 Quận 5 phải phát đầy đủ cho F0

Tại các điểm này, ông Khoa chia sẻ: Các lực lượng từ trạm y tế lưu động, trạm y tế cố định có vai trò rất quan trọng, nhất là khi triển khai theo dõi số lượng F0 lớn tại nhà. Chăm sóc tốt sẽ giảm tải cho tuyến trên. Các lực lượng cần phối hợp nhịp nhàng với nhau. Các F0 tuổi cao, nhiều bệnh nền nên vận động đưa vào các cơ sở thu dung tập trung hoặc bệnh viện dã chiến. Bởi vì các đối tượng này nếu chuyển nặng thì diễn biến rất nhanh. Cùng với đó y tế tuyến phường phải sẵn sàng oxy, máy đo SpO2, các thiết bị y tế cần thiết để xử lý khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ các F0.

BS quân y Nguyễn Trọng Đức - phụ trách Trạm Y tế lưu động Phường 2 (Quận 5) cho biết: Ngoài 3 y bác sĩ, trạm còn có 3 tình nguyện viên khác làm việc xuyên ngày đêm. Có cuộc gọi yêu cầu là nắm bắt tình hình và lên đường ngay. Hiện trạm đang quản lý, theo dõi hơn 70 F0 tại nhà. Các ca F0 đều có số điện thoại của các thành viên trạm y tế lưu động.

Trạm y tế lưu động quản lý hiệu quả F0 tại nhà  - Ảnh 3.

Lực lượng quân y cơ động phát Túi chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà cho người dân

Cũng như Trạm Y tế lưu động phường 2, nhiều trạm khác ở Quận 5 cũng bố trí đầy đủ oxy di động, các túi thuốc được phân chia sẵn. Phương tiện để đi thăm khám, chăm sóc cho F0 tại nhà cơ động và nhanh nhất là xe máy. Khi nắm bắt thông tin ca bệnh có dấu hiệu chuyển biến nặng thì lực lượng này lập tức đưa xe cấp cứu đến để vận chuyển người bệnh lên cơ sở thu dung điều trị tập trung hoặc bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến trên.

Theo các bác sĩ quân y đang tham gia túc trực tại các Trạm Y tế lưu động ở Quận 4, Quận 5, ngay khi được thiết lập và nhận danh sách F0 đến đâu là các bác sĩ liên hệ ngay đến các F0 đó để hỏi chi tiết về tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh nền để có phương pháp chăm sóc phù hợp nhất. Phát huy tinh thần người lính nên có những cuộc gọi lúc nửa đêm các anh chị cũng lên đường ngay.

Phát túi thuốc đầy đủ, kịp thời

Tại Trạm Y tế cố định và lưu động phường 2 (Quận 5) ngày 3/9, ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh: "Tổ y tế, nhân viên y tế từ các trạm này rất cần thiết, nên sàng lọc thật kỹ.  Khi thấy dấu hiệu F0 tại nhà ho, khó thở thì cần sẵn sàng cấp cứu ngay và có phương án chuyển lên tuyến cao hơn. Việc phối hợp chăm sóc ngay từ tuyến phường đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối ảnh hiện nay. Bên cạnh đó, các túi thuốc, túi an sinh cho F0 cần phát đủ, kịp thời". Ông Khoa cũng động viên, nếu những nhân viên, cán bộ y tế lớn tuổi, đã nghỉ hưu còn sức khỏe thì cố gắng hỗ trợ trong cuộc chiến với dịch bệnh này.

Trạm y tế lưu động quản lý hiệu quả F0 tại nhà  - Ảnh 5.

Oxy để phục vụ cấp cứu F0 tại nhà khi cần thiết của Trạm y tế lưu động phường 2, Quận 5

Lãnh đạo Trạm Y tế phường 2 (Quận 5) cho biết: Việc phối hợp giữa lực lượng lưu động và cố định được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, với số lượng dân khoảng 15.000 người hiện lực  lượng nhân viên y tế này vẫn còn mỏng. Có người  phải làm việc liên tục từ sáng đến đêm, vừa tư vấn sức khỏe, vừa tiếp nhận xử lý các yêu cầu hỗ trợ từ người bệnh, kể cả các bệnh thông thường.

Ông Nguyễn D, một F0 được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời ở Quận 5 chia sẻ: Các y bác sĩ hướng dẫn rất chi tiết từ cách ăn uống, cách giữ khoảng cách với người thân… Có biểu hiện khác thường, dù đêm tối vẫn được nhân viên y tế đến hỗ trợ. Các túi thuốc sử dụng có nhiều chuyển biến tích cực cho sức khỏe.

Theo suckhoedoisong.vn
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top