Từ đấy ông cứ để ý mà không ở đâu bán, giờ mới thấy ở Việt Nam có nên mua mấy cái để tặng. Chứ ngoài kia hàng Tàu bán đầy, lại rẻ nữa, nhưng đã dùng loại này rồi thì không thể dùng được loại nào khác. Công nghệ của họ thế chứ!
Chỉ là cái bấm móng tay thôi, nhưng thấy thật khâm phục cái nền công nghiệp đã làm ra nó. Trong đó không chỉ là công nghệ, mà còn cả lòng tự trọng của nhà sản xuất. Bởi vì, đâu phải là mua cho rồi, bán cho xong, mà trong đó là cả sự hài lòng của người dùng, là chất lượng của sản phẩm, là thương hiệu, uy tín của nhà sản xuất…
Để người dùng không quên, chỉ đi tìm sản phẩm đó thôi, quả là một điều đáng để tự hào.
Tôi đã đọc ở đâu đó rằng, hàng giá rẻ của Trung Quốc đã làm tha hóa tiêu dùng trên thế giới. Đã có lúc, ta coi hàng giá rẻ của Trung Quốc là thiên đường mua sắm.
Lên Lạng Sơn, đi chợ cửa khẩu, người ta đua nhau khuân từ đầu đĩa đến áo quần, bếp từ bếp điện đến đồ chơi trẻ con… vài trăm ngàn đồng, vài triệu mà sắm được cả bao tải hàng. Ai cũng hớn hở vì giá rẻ đến nỗi không thể tưởng tượng được. Nhưng rồi cái niềm phấn khởi ấy cũng qua rất nhanh khi mà đồ dùng rất mau hỏng.
Chả nói hàng Trung Quốc, hàng trong nước nhiều loại chất lượng cũng rất kém. Ví dụ như đồ dùng học tập, những cái e ke, thước đo độ nhựa cứng, dễ gẫy, trẻ con dùng lại nguy hiểm. Còn compa thì vài bữa đã rỉ, cặp thì hỏng khóa… toàn những chi tiết phụ, nhưng rất khó chịu vì hỏng cái đó thì chỉ đáng vứt đi.
Hình minh họa
Vẫn biết vì giá rẻ nên người ta dùng nguyên liệu tái chế, chất lượng kém. Vẫn biết mình còn nghèo nên phải chấp nhận mua những thứ kém chất lượng đó… Nhưng, nói thật, nếu tôi mà là nhà sản xuất ra những sản phẩm như thế thì tôi cũng thấy ngượng, cũng chả dám khoe là hàng của mình, lại càng không muốn cho con cái dùng những đồ kém chất lượng như thế.
Thế nên không thể trách người ta thích chọn đồ của Đức, chất lượng cao hơn rất nhiều. Đắt thì đắt nhưng cái ba lô học sinh dùng 5-7 năm khóa vẫn tốt, vải vẫn bền.
Minh Anh