Chè tươi hay trà mạn tốt hơn?

Chè tươi hay trà mạn tốt hơn, là câu hỏi của nhiều người.

Lá chè xanh già chứa nhiều chất không có lợi

Bà Nguyễn Thị Đài (Nghệ An) năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh. Mỗi ngày, bà đều uống một ấm nước chè xanh tươi được hãm từ cây trong vườn nhà. Bà cho rằng, bà khỏe mạnh được thế này là nhờ chè xanh. Khác với trà mạn, không có nhiều chất nên kém vị hơn chè xanh, uống không đã!

Trên nhiều diễn đàn, người ta cũng đề cập chè xanh rất tốt, có thể chống chữa phóng xạ, phòng ngừa ung thư… Còn trà mạn chỉ là thưởng thức chứ không có những thành phần này. Vì thế, chỉ trong trường hợp không có chè xanh mới phải uống trà mạn.

Chè tươi hay trà mạn tốt hơn

PGS.TS Đỗ Văn Chương, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và Vệ sinh an toàn thực phẩm, Đại học Kinh tế – kỹ thuật Công nghiệp, chè xanh thường là người dân dùng lá chè già để hãm cùng nước nóng sau đó uống. Còn trà mạn là chè được sản xuất từ đinh, tôm, lá chè non, sau đó qua một số bước như lên hương, sấy khô, khi uống cũng hãm cùng nước nóng.

Về thành phần, hai loại lá này đã có sự khác biệt nhau về các chất có trong đó. Như, trà mạn vì dùng lá non nên chứa nhiều chất dinh dưỡng. Trong đó có những chất tốt cho sức khỏe như chống oxy, axit amin, vitamin, khoáng chất… Các chất này sẽ giảm đi khi lá chè càng già đi.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho hay, lá càng già thì càng có nhiều chất không có lợi cho sức khỏe. Trong đó, chính là chất hăng mà chúng ta thường thấy. Chất hăng này bao gồm nhiều chất, trong đó có axit không no, andehit, tinh dầu…

“Lá non cũng có các chất này nhưng ít hơn các lá già. Trong quá trình chế biến, các chất này sẽ giảm đi rất nhiều và thậm chí không còn. Nhưng bằng cách hãm với nước nóng một lần, chè xanh vẫn còn mùi hăng. Dường như chỉ có vitamin C của trà mạn sẽ ít hơn trà xanh do bị mất đi trong quá trình chế biến do sử dụng nhiệt ”, PGS.TS Đỗ Văn Chương nói.

Chè xanh hay trà mạn không thể chữa bệnh do phóng xạ

Trước thực tế đó, vị chuyên gia mới cho rằng, đây cũng là lý do người ta gọi là trà thượng hạng vì không chỉ có ngon mà còn nhiều chất. Còn chè xanh chỉ là nước uống dân dã. Người uống chè xanh tươi thấy ngon vì đó là thói quen, uống được nhiều nên đỡ khát. Để có nhiều chất, nên chọn các lá chè tươi càng non càng tốt. Cần bỏ các lá già. Ngoài ra, nên uống chè mới hái để tránh giảm các chất vitamin có trong đó do quá trình bảo quản.

Ở góc độ khác, ông cũng cho hay, trong chè hay trà đều có chứa những chất có khả năng phòng chống lại chất phóng xạ, oxy hóa… Tên gọi chung chất này là tanin, còn chính xác Lipopolysaccharide. Chất này có khả năng phòng chống, ức chế lại phóng xạ nhưng với hàm lượng nước chè uống vào sẽ rất ít. Vì thế chỉ mang tính chất hỗ trợ. Càng không nên xem dùng chè như chất chữa phóng xạ khi đã nhiễm.

Tương tự, chất tannin và caphein có trong chè còn có tác dụng khác như giảm thiểu biến chứng cho người có bệnh tiểu đường, ngăn ngừa và làm giảm nguy cơ các bệnh về ung thư: Thực quản, các cơ quan nội tạng; Giảm nguy cơ vữa, xơ cứng động mạch; Ngăn ngừa, giảm thiểu các bệnh viêm khớp do hợp chất Polyphenol có trong trà;

Ngăn ngừa quá trình lão hóa: Giúp cơ thể loại bỏ các các chất độc hại; Chống oxy hóa mạnh: Chè xanh chứa các chất chống oxy hóa mạnh như EGCG có thể diệt các gốc tự do. Chính nhờ chất chống oxi hoá mạnh này mà trà xanh có nhiều ảnh hưởng tốt khác ngoài việc bảo vệ các tế bào da….

Tuy nhiên, vẫn chỉ nên xem là các chất hỗ trợ, là loại nước uống phù hợp với việc dùng hàng ngày. Tránh tình trạng vì nghĩ tốt nên uống nhiều mỗi ngày, nhất là có thể dẫn đến say, cồn cao bụng do chính các chất này gây ra.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top