Cây nắp ấm diệt trừ muỗi không hiệu quả
Chỉ là biện pháp hỗ trợ
Lý giải hiện tượng thời gian gần đây muỗi phát triển mạnh, GS. TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, cho biết, hiện tượng này không bất thường. Xuân – hè là mùa phát triển của côn trùng, trong đó có muỗi. Dân gian từ ngày xưa đã tổng kết lúc hoa xoan nở muỗi ra rất nhiều.
Về việc sử dụng cây nắp ấm diệt trừ muỗi, GS.TS Bùi Công Hiển cho biết, ngoài cây nắp ấm, trước đây người ta cũng nhắc đến một vài loại cây như cây ngũ gia bì có tác dụng phòng chống muỗi hiệu quả. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Việc trồng cây nắp ấm (loại cây phân bố nhiều nhất ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; có thể trồng nắp ấm bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành, chiết cành) hay các loại cây khác có tác dụng diệt hay xua muỗi, chỉ là biện pháp hỗ trợ.
Thực chất khả năng “bắt” muỗi của cây nắp ấm rất hạn chế. Cây nắp ấm không chỉ bắt muỗi, mà bất cứ động vật hay vật chất gì đến gần khu vực miệng ấm đều bị hút vào; nghĩa là muỗi phải “tự” đến gần hoa nắp ấm mới “bị bắt”, chứ cây không có tác dụng thu hút muỗi đến gần để “bắt”.
Hơn nữa, theo vị chuyên gia này, nếu muốn diệt muỗi hiệu quả thì liệu phải trồng bao nhiêu cây nắp ấm mới có khả năng áp đảo được muỗi. Trong một ngôi nhà, nhất là những nơi ẩm thấp, vào thời điểm muỗi phát triển mạnh, có khi có hàng trăm con muỗi, liệu bao nhiêu cây nắp ấm mới “hút” hết muỗi bay vo ve.
Vì vậy trồng cây nắp ấm diệt trừ muỗi là không hiệu quả, nếu chỉ trồng với mục đích kết hợp làm cảnh và diệt muỗi hoặc coi đó là biện pháp hỗ trợ thì được, việc coi đó là phương pháp chính để diệt muỗi, nhất là vào thời điểm muỗi phát triển mạnh là không khả quan.
Kết hợp các biện pháp phòng trừ
Theo GS.TS Bùi Công Hiển, trong việc phòng trừ muỗi, thực tế, không có biện pháp đơn lẻ nào như trồng cây nắp ấm diệt trừ muỗi hay dùng thuốc xịt muỗi… cho kết quả tốt. Muốn diệt muỗi hiệu quả là phải kết hợp các biện pháp phòng trừ phù hợp với điều kiện từng nơi, từng lúc và hợp lý.
Để phòng trừ muỗi hợp lý, có hiệu quả phải nắm được nguyên tắc chính là muỗi không phân biệt nhà giàu, nhà nghèo, mà tuỳ điều kiện môi trường ở từng khu vực mà muỗi phát triển nhiều hay ít. Do vậy việc phòng chống muỗi phải tiến hành ở từng cộng đồng (từng khu nhà ở thành thị, từng thôn xóm ở vùng nông thôn …).
Khi diệt muỗi phải xác định ưu tiên diệt nơi sinh sống của bọ gậy (bọ gậy sẽ phát triển thành muỗi) là nước. Ví dụ nơi đựng nước sinh hoạt nên thả cá để ăn bọ gậy; vứt bỏ các ống bơ, chai lọ có nước … ở bãi rác, xung quanh nhà; loại bỏ các vũng nước sau khi mưa; cũng có thể dùng nước để thu hút muỗi đến đẻ trứng, rồi sau 3 – 5 ngày đổ nước đi, thay nước khác … Ngoài ra, từng gia đình nên tích cực diệt muỗi trưởng thành bằng vợt bắt muỗi, bằng bẫy dính hay phương tiện khác thường xuyên mọi nơi, mọi lúc.
Ở những địa phương có tổ chức chuyên môn sử dụng được thuốc hoá học để phun trừ muỗi nên làm vào thời điểm thích hợp và tránh sử dụng những loại thuốc đã có biểu hiện muỗi đã kháng thuốc. Ví dụ ở Hà Nội thuốc thuộc nhóm Permethrin đã kém hiệu lực diệt muỗi so với hơn 20 năm trước. Ở những nơi chưa diệt muỗi triệt để, tốt nhất vẫn nên ngủ trong màn. Đây không chỉ là cách bảo vệ cho chính bản thân mà còn là cách diệt muỗi. Lý do là bởi muỗi cái sau khi hút được máu mới đẻ trứng được. Không hút được máu thì sau một thời gian ngắn (1 – 2 tuần) sẽ chết mà không để lại được thế hệ sau.
GS.TS Bùi Công Hiển: Phòng trừ muỗi là hoạt động có tổ chức của cả cộng đồng; đó là việc “vệ sinh môi trường” nhằm làm mất môi trường sống của muỗi. Việc diệt trừ và phòng chống muỗi không nên hoạt động riêng lẻ kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”. Tổ chức vệ sinh phòng dịch cũng nên hoạt động tích cực, khoa học hơn, có thể kết hợp với phong trào “mùa hè xanh” của Đoàn thanh niên để tuyên truyên vận động người dân tham gia có tổ chức vào hoạt động phòng trừ muỗi nói riêng, phòng trừ các dịch bệnh khác nói chung.
Đức Anh