Cây huyết dụ (thuộc họ hành tỏi): Có loại lá toàn nâu đỏ, có loại là một mặt xanh, một mặt đỏ. Cả hai loại này đều dùng chữa bệnh được nhưng lá đỏ tốt hơn. Dùng lá tươi có tác dụng cầm máu, chữa bệnh lỵ, bệnh lậu, phụ nữ sau sinh băng huyết. Liều dùng 20-25g lá tươi sắc uống. Không được dùng trước khi sinh hay sinh rồi mà nhau chưa ra hết, thuốc sẽ làm co thắt cổ tử cung nên nhau không lấy ra được mà huyết vẫn không cầm.
Cây xạ can (cây rẻ quạt thuộc họ lay ơn): Bộ phận dùng chữa bệnh là thân và rễ, rửa sạch ngâm 1-2 ngày, thái nhỏ phơi hay sấy khô để dùng dần. Theo y học cổ truyền, xạ can có vị đắng, tính hàn, hơi độc, đi vào hai kinh can và phế, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán huyết, tiêu đờm. Dùng chữa bệnh sưng yết hầu, đờm đặc gây tắc nghẽn ở họng, viêm amidan, nuốt đau, ăn vướng. Ngoài chữa những bệnh về họng cây này còn dùng để hạ sốt, đại tiểu tiện không thông, vú đau, căng tức, tắc tia sữa, đau bụng hành kinh ở phụ nữ. Dùng 3-6g xạ can sắc uống trong ngày.
Xạ can chữa rắn cắn: Lấy một nắm xạ can rửa sạch nhai nuốt lấy nước, bã đắp vào vết thương rắn cắn.
Xạ can chữa viêm họng: Xạ can 4g, hoàng cầm 2g, sinh cam thảo 2g, cát cánh 2g, tất cả tán nhỏ dùng nước ấm uống trong ngày.
Cây si: Nhựa si dùng làm thuốc, thường được trích từ thân cây. Nếu không có nhựa ta dùng rễ phụ của cây hái về rửa sạch, sao vàng có mùi thơm dễ uống hay ngâm với rượu dùng xoa bóp chỗ đau. Nhựa si là vị thuốc quý, được bà con dùng phổ biến trong lao động bị thương, bị ngã, chân tay mỏi mệt rã rời. Dùng 10-20ml nhựa si hòa vào 10-20ml rượu uống rồi nằm nghỉ ngơi, bệnh sẽ đỡ dần. Nhựa si còn có tác dụng cắt cơn hen, khó thở, tức ngực…cũng uống liều như trên. Nếu không uống được rượu thì dùng 30-40g rễ si, rửa sạch sao vàng, cho 500ml nước sắc lên còn 200ml uống trong ngày.
Cây lá náng (thuộc họ thủy tiên): Có hai loại náng hoa trắng và hoa đỏ tím. Cây mọc ở nơi ẩm ướt, hoa rất thơm, lá và củ dùng làm thuốc. Dùng chữa bệnh bong gân, trượt ngã, chữa tê thấp, nhức mỏi các khớp, buồn bã chân tay. Ngoài ra còn chữa bệnh trĩ ngoại, đi ngoài ra máu. Cách dùng, lấy lá hơ nóng lên rồi đắp vào chỗ đau, bóp nhẹ bên ngoài cho tan chỗ sưng. Có thể đun lên lấy nước ngâm rửa hậu môn chữa trĩ. Củ náng giã nhỏ, vắt lấy nước nhỏ vào tai chữa đau tai.
Cây đại (người Lào gọi là hoa chăm pa): Vỏ cây, vỏ rễ, nụ hoa, lá đều có tác dụng chữa bệnh.
Hoa đại chữa cao huyết áp, ít độc, chữa ho lâu ngày. Dùng 6-12g sắc với 200ml nước uống trong ngày.
Lá cây đại tươi giã nát đắp vào nơi sưng đau, sai khớp, bong gân, giãn dây chằng. Lấy 10g vỏ cây, vỏ rễ phơi khô, khi dùng sao vàng sắc uống với 200ml nước, uống trong ngày, chữa bệnh phù thũng.
Ngũ gia bì (xuyên gia bì): Đông y dùng ngũ gia bì làm thuốc, có vị cay, tính ôn, đi vào kinh can và thận. Tác dụng làm mạnh gân cốt, khu phong hỏa thấp, chữa bệnh trẻ chậm đi, người già đau lưng, mỏi gối, đi lại khó khăn. Ngày dùng 6-12g sắc uống, có thể kết hợp với nhiều vị thuốc khác.
Dùng ngâm rượu uống tăng cường trí nhớ, khỏe chân mạnh tay. Liều ngâm rượu 100g ngũ gia bì, 1 lít rượu ngâm 2 tuần, uống 1 cốc trước khi đi ngủ.
Hoa lý (hoa thiên lý): Chữa được bệnh sa trực tràng, sa dạ con. Để chữa sa trực tràng, lấy 100g lá thiên lý non và bánh tẻ rửa sạch, giã nát cho vài hạt muối, tẩm bông đắp vào hậu môn. Chữa sa dạ con, cũng làm như vậy nhưng đắp vào cửa mình. Trước khi đắp cần rửa sạch bằng thuốc tím pha loãng, đắp ngày 2 lần trong 3-4 ngày là khỏi.
Hoa thiên lý và lá non còn dùng nấu canh với thịt nạc rất ngon và bổ.
Trinh nữ hoàng cung: Có tác dụng chữa bệnh của phụ nữ như u xơ, ung thư tử cung, chữa ung thư hoặc u xơ tuyến tiền liệt của nam giới. Lấy ba lá tươi thái nhỏ, sao khô vàng, đun lên uống trong ngày, uống liều 7 ngày nghỉ 7 ngày lại uống tiếp đợt 2, uống 3 đợt như vậy.
BS Kim Ngân (Viện Châm cứu T.Ư)