Chị Nguyễn Thị H. cho biết, cách đây 2 năm, chị thấy đau bụng đi khám và phát hiện có 1 khối UXTC nhỏ bằng quả trứng gà được đề nghị theo dõi. Khoảng 1 năm nay, chị bắt đầu uống khoảng 350ml nước mầm đậu nành mỗi ngày và thường xuyên ăn các thức ăn từ đậu nành (như đậu phụ…). Gần đây, chị phát hiện bụng dưới nổi khối u to, nên ngày 18/7 chị đi khám lại. Kết quả siêu âm cho thấy khối u có kích thước 88x145x147cm và được chỉ định phẫu thuật.
BSCKI Phạm Thị Lan Hương, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong 2 giờ phẫu thuật, kíp mổ mở ổ bụng, thấy khối u xơ tử cung to, dính cắm sâu trong tiểu khung, kíp mổ đã đã tiến hành gỡ dính khối u, cắt tử cung bán phần, để lại phần phụ bên phải, sau đó khâu cầm máu mỏm cắt mũi rời và cầm máu bằng dao điện. Hiện tại, sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K cảnh báo, UXTC là những khối u lành tính, hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. U thường không gây nguy hiểm nên nhiều người chủ quan. Nhưng nếu không theo dõi sát, để u to nhanh lên, có thể ép vào xương chậu gây cảm giác đau, chèn ép vào đường dẫn tiểu, làm sưng thận, hay ép vào bàng quang gây cảm giác luôn muốn đi tiểu.
Đặc biệt nguy hại là u thường gây khó khăn cho sự làm tổ của trứng, gây gập, tắc vòi trứng hoặc che lấp lỗ cổ tử cung khiến cho việc thụ thai không thuận lợi, tăng nguy cơ hiếm muộn, vô sinh. Vì vậy, “khi thấy kinh nguyệt bất thường, lượng kinh và thời gian “đèn đỏ” kéo dài, bụng dưới xuất hiện những cục nhỏ, âm đạo tiết nhiều huyết trắng, vùng thắt lưng đau nhức… thì nên đi khám để phát hiện và theo dõi bệnh thường xuyên, để có hướng điều trị kịp thời.
Khối u cơ tử cung được lấy ra. |
Theo BSCKI Phạm Thị Lan Hương, nguyên nhân phụ nữ bị UXTC hiện nay vẫn chưa rõ, nhưng nhiều giả thuyết cho rằng do cường nội tiết tố nữ estrogen. Vì thế UXTC sẽ không phát triển khi phụ nữ mãn kinh. Từ đó, có quan điểm cho rằng nên tránh xa những yếu tố làm gia tăng sự hiện diện estrogen trong cơ thể người có UXTC, trong đó có đậu nành, vì trong đậu nành có nhiều phytoestrogen, một hợp chất có các đặc tính tương tự estrogen.