U tồn tại 20 năm
Bà Trần Thị Đ., hơn 90 tuổi (Đức Bác, Sông Lô, Vĩnh Phúc), nhập viện Trung tâm Sản Nhi Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ trong tình trạng đau bụng, ra máu âm đạo, bụng trướng to. Cách đây 10 năm, người bệnh đã từng đi khám và phát hiện có một khối u phần phụ tuy nhiên chưa được xử lý.
Ngay sau khi được thăm khám và chẩn đoán, người bệnh đã được chuyển lên khoa Phụ ngoại phụ nội tiết. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, khối u kích thước lớn 30cm x 30cm, khoảng gần 4kg, nằm tại vị trí buồng trứng trái cắm sâu vào tiểu khung. Đây là một trong những ca bệnh đặc biệt khó bởi người bệnh đã cao tuổi, thể trạng yếu, tăng huyết áp và tiền sử đột quỵ.
Ca phẫu thuật do BSCKI. Vũ Thị Thanh Hương, trưởng khoa Phụ ngoại phụ nội tiết trực tiếp thực hiện. Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật đã thành công, khối u phức tạp đã được loại bỏ hoàn toàn. Sau phẫu thuật, người bệnh được theo dõi chăm sóc đặc biệt tại khoa và được ra viện sau 7 ngày. Đây là dạng u quái buồng trứng đã tồn tại trong cơ thể bệnh nhân sách đây 20 năm.
Phát triển cả răng, tóc, xương... mà không có triệu chứng
BS Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K cho biết, trong các u tân sinh của buồng trứng thì có khoảng 10 - 20% là u quái loại biệt hóa (lành tính). U quái buồng trứng nằm ở sâu phát triển âm ỉ trong khoang bụng, gần như không có triệu chứng. Vì thế nhiều người không hề biết mình có u quái buồng trứng, cho tới khi đạt kích thước khá lớn hoặc gặp phải biến chứng….
Nghiên cứu cho thấy, u quái phát sinh từ mô phôi, nhiều chức năng có khả năng tạo các thành phần từ 3 lớp phôi. Vì thế, khác với u nang buồng trứng thường chứa đầy chất dịch bên trong thì u quái lại chứa các mô tuyến bã, da, tóc, xương… U quái buồng trứng có nguồn gốc từ tế bào mầm. Các tế bào mầm phát triển và biệt hóa tạo thành u quái trưởng thành. Nếu các tế bào mầm không biệt hóa tốt sẽ là u quái không trưởng thành. Khoảng 95% các u quái là u quái trưởng thành.
U quái buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là phụ nữ lớn tuổi. Khối u có vỏ bọc bên ngoài và bên trong chứa dịch, răng, tóc, mỡ, da, cơ, mô nội tiết. Thường phát hiện ở một bên buồng trứng, có 8 - 15% bị cả 2 bên. Các biến chứng của u quái buồng trứng là xoắn, vỡ khối u, nhiễm trùng, xuất huyết trong khối u hoặc hóa ác tính. Xoắn vặn khối u là một biến chứng thường gặp đưa đến tử vong, xảy ra ở 3,2 - 16% các trường hợp. Khi khối u càng to thì nguy cơ bị xoắn càng lớn.
Vỡ khối u hiếm gặp và thường có liên quan đến xoắn. Vỡ gặp ở 1 - 4% các trường hợp, xảy ra đột ngột đưa đến sốc hoặc xuất huyết với hội chứng viêm phúc mạc cấp tính. Khối u cũng có thể thủng gây thoát thành phần trong u ra ngoài tạo viêm phúc mạc tăng sinh mô hạt. Nhiễm trùng khối u chỉ xảy ra ở 1% các trường hợp, thiếu máu tán huyết tự miễn cũng hiếm xảy ra có liên quan với các khối u nang biệt hóa.
U quái buồng trứng thường có chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ khối u và cả buồng trứng để giảm nguy cơ tái phát. Tuy nhiên với những trường hợp phụ nữ còn có nhu cầu sinh con thì phẫu thuật sẽ chỉ bóc tách khối u, bảo toàn buồng trứng. Những khối u hóa ác tính thì tiên lượng xấu, tỉ lệ sống 5 năm chỉ khoảng 15 - 31%.
Các chuyên gia đều khuyên, thường khối u quái buồng trứng không có triệu chứng gì, một số ít trường hợp có đau bụng, bụng hơi to ra, chảy máu tử cung bất thường. Đôi khi cũng có hội chứng bàng quang, đau lưng hoặc rối loạn tiêu hóa. Vì vậy việc khám sức khỏe định kỳ hằng năm là vô cùng quan trọng, giúp nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường để có thể điều trị kịp thời.