Cắt khối sa sinh dục biến chứng cho cụ bà 92 tuổi

Vì xấu hổ nên mất chục năm nay bà không dám nói với các con, đến khi khối sa sinh dục chảy máu gây nguy hiểm tới sức khỏe cụ mới đi chữa trị.

Đó là tình trạng của cụ Bá Thị C. (92 tuổi, Lục Nam, Bắc Giang). Tuy đã ngoài 90 tuổi nhưng tinh thần cụ vẫn còn rất minh mẫn. Cụ cho biết, bị bệnh mấy chục năm nay nhưng xấu hổ không dám nói với các con, cụ cố chịu đựng đau đớn và khó chịu.

Chỉ tới khi thấy bị chảy máu thấm ra quần, kiểm tra mới biết cụ bị sa dạ con nên gia đình liền đưa cụ tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để điều trị.

Sau khi thăm khám và siêu âm, các bác sỹ nhận thấy toàn bộ cổ tử cung của Cụ đã sa ra ngoài âm hộ thành 01 khối kích thước 07×10 cm, sa thành trước âm đạo và bàng quang, sa thành sau âm đạo kèm theo sa trực tràng, cổ tử cung viêm xung huyết dễ chảy máu. Các bác sỹ Khoa Phụ đã hội chẩn và kết luận cụ C. bị sa sinh dục độ III, bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa để không gây biến chứng cũng như đảm bảo sức khoẻ cho cụ trong cuộc sống sinh hoạt sau này.

sa-sinh-duc-92.jpg
Cụ bà 92 tuổi hơn 20 năm chịu đựng bệnh sa sinh dục.

Đã ngoài 92 tuổi mà phải trải qua cuộc phẫu thuật là điều không dễ dàng với cụ cũng như với đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện. Vì vậy, để cuộc phẫu thuật diễn ra thành công, sau khi nhập viện cụ C. được điều trị nội khoa ổn định, đồng thời có sự chăm sóc tốt nhất về mặt sức khoẻ tinh thần cũng như thể chất để cụ hoàn toàn yên tâm và không còn lo sợ khi bước vào phòng mổ.

Với sự phối hợp nhịp nhàng của ê-kíp các bác sỹ gây mê hồi sức, sau khoảng 01 tiếng, ca phẫu thuật do trực tiếp BS CKII Thân Ngọc Bích, Trưởng Khoa Phụ thực hiện, Bác sỹ CKI Nguyễn Quốc Vỹ, Trưởng Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức gây tê tuỷ sống đã thành công cắt bỏ khối sa sinh dục của cụ C. và không để xảy ra tai biến nào.

BS CKII Thân Ngọc Bích cho biết, sa sinh dục (hay còn gọi là sa tử cung, sa dạ con là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, nhất là những phụ nữ từng sinh đẻ nhiều lần, đẻ không an toàn hoặc những phụ nữ lớn tuổi đã mãn kinh (ngoài 50 tuổi). Sa sinh dục là hiện tượng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ, trong nhiều trường hợp không những chỉ sa tử cung mà sa cả thành trước âm đạo kèm sa bàng quang và sa thành sau âm đạo kèm theo sa trực tràng.

sa-sinh-duc-2.jpg
Cụ C, hồi phục sau phẫu thuật.

Ban đầu, kích thước khối sa sinh dục nhỏ, sa không thường xuyên, xuất hiện khi lao động nặng hoặc khi đi lại nhiều, nằm nghỉ thì khối sa tụt vào trong âm đạo hoặc tự đẩy lên được. Càng về sau khối sa càng to, sa thường xuyên, không đẩy lên được và tức nặng bụng dưới, cảm giác vướng víu khó chịu vùng âm hộ – tầng sinh môn, gây khó khăn cho đại – tiểu tiện.

Mặc dù sa sinh dục là bệnh lý không nguy hiểm tới tính mạng của người phụ nữ nhưng gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và ảnh hướng lớn tới chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị kịp thời thì có thể gây nên nhiều biến chứng như rối loạn đại – tiểu tiện, viêm loét khối sa, nhiễm trùng đường tiểu…

Sa sinh dục là bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị dứt điểm được, vì vậy khuyến cáo các chị em phụ nữ nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh thì nên tới cơ sở y tế thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời để không ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động cũng như chất lượng cuộc sống.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top