Không chỉ sa dạ con mà cả các tạng
Bà Trịnh Thị T. (70 tuổi, Cẩm Phả, Quảng Ninh) vào viện trong tình trạng cổ tử cung xung huyết sa ra ngoài âm đạo gần 3cm không tự co lên được, đi tiểu đau buốt, khó khăn. Được biết, bệnh nhân mắc sa sinh dục hơn 8 năm nay, tuy nhiên do tâm lý ngần ngại nên không đi khám và điều trị, vì vậy tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng - sa sinh dục độ IV, trên nền bệnh tăng huyết áp. Bệnh nhân được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi đặt lưới nâng tử cung cố định vào mỏm nhô.
Ca phẫu thuật do BS Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh làm kíp trưởng cùng các bác sĩ khoa Phụ sản đã tiến hành đưa dụng cụ nội soi vào vết rạch nhỏ qua thành bụng, thực hiện khâu 2 tấm lưới nhân tạo vào thành trước và sau cổ tử cung, luồn lưới dưới phúc mạc và đính cố định vào mặt trước cột sống thắt lưng cùng để nâng đỡ các tạng bị sa trong vùng chậu, khắc phục khiếm khuyết. Qua 3 ngày, bệnh nhân đã phục hồi đáng kể, đi tiểu bình thường, không còn khối sa ra ngoài âm hộ, có thể xuất viện.
Sa sinh dục thường gọi là sa dạ con hay sa tử cung. Nhưng thực tế không chỉ dạ con mà thường cả bàng quang và trực tràng sa vào trong âm đạo. Trường hợp nặng, các tạng trên có thể sa ra ngoài âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ. Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, lao động. Bệnh không chỉ gây khó chịu, cảm giác tức nặng vùng cửa mình, ở bụng dưới, nhất là khi đứng, đồng thời do áp lực trong thành bụng dồn xuống vùng đáy chậu đã bị suy yếu hay gây chảy máu, khí hư ra nhiều do cổ tử cung viêm nhiễm, cọ xát làm người bệnh đi lại khó khăn…
Lưới nhân tạo được nội soi gắn cố định nâng đỡ các cơ quan vùng chậu bị sa |
Đặc biệt, người bệnh còn bị đau vùng sau thắt lưng, càng về sau khối sa càng to, sa thường xuyên, không tự đẩy lên được nữa. Nếu kèm theo sa bàng quang thì có dấu hiệu đi đái khó, đái dắt, són đái, đái không hết nước tiểu nên bàng quang dễ bị viêm gây ra đái buốt, bí đái cấp... Nếu kèm theo sa trực tràng thì đại tiện có cảm giác vẫn còn chưa hết phân ở trực tràng, có thể bị táo bón...
Phối hợp 2 kỹ thuật khó để giữ tử cung, tránh tái phát
ThS Phạm Việt Hùng cho biết, trước đây với những bệnh nhân sa sinh dục độ nặng thường được xử trí bằng phương pháp phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo, may phục hồi thành trước và sau hoặc mổ đường bụng. Tuy nhiên, các phương pháp này có nhiều nhược điểm là phải cắt tử cung, dễ tái phát. Phương pháp phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới nhân tạo nâng tử cung cố định vào mỏm nhô được đánh giá khó và phức tạp, nhưng mang lại hiệu quả tốt nhất vì khắc phục được các nhược điểm của mổ kinh điển, tỷ lệ tái phát thấp, giữ được tử cung, ít đau, phục hồi nhanh, tính thẩm mỹ cao.
Ở các nước phát triển thường dùng robot để mổ phương pháp này, song khá tốn kém và mất nhiều thời gian. Với trường hợp bệnh nhân T., Bệnh viện đã triển khai phương pháp này bằng việc kết hợp cả nội soi ổ bụng và phẫu thuật đường dưới. Tấm lưới được khâu vào cổ tử cung từ dưới âm đạo sau đó kéo lên ổ bụng tạo đường hầm và cố định vào mỏm nhô qua nội soi do vậy thời gian mổ ngắn, đảm bảo thẩm mỹ và kết quả đem lại tương tự như sử dụng robot. Đây là cách làm sáng tạo, áp dụng lợi thế của cả 2 kỹ thuật là nội soi ổ bụng và mổ đường âm đạo, lần đầu tiên ứng dụng thành công tại Quảng Ninh.
10% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh sa sinh dục sau sinh. Đó là kết quả do Bộ Y tế công bố, phần lớn người bệnh nằm trong độ tuổi từ 40 – 60. Người trẻ chưa đẻ lần nào cũng có thể bị sa sinh dục. Những phụ nữ đẻ nhiều, đẻ quá sớm, lao động nặng, không được đỡ đẻ an toàn và đúng kỹ thuật đều dễ mắc bệnh sa sinh dục. Cá biệt, một số ít phụ nữ còn mắc bệnh sa sinh dục từ hồi 25 - 30 tuổi do bẩm sinh cơ yếu.
Khi có các dấu hiệu bệnh, chị em nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra – BS Phạm Văn Lượng - Khoa Phụ Sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh khuyên