Bệnh nhân Nguyễn Thị P.L. (72 tuổi) phát hiện bị sa sinh dục cách đây 2 năm nhưng không đi khám. Thời gian gần đây, bệnh nhân thấy xuất hiện các triệu chứng như bí tiểu, tiểu khó, phải dùng ngón tay đẩy bàng quang lên trên và vào trong mới đi tiểu được. Kết quả khám cho thấy, bệnh nhân bị sa sinh dục độ 3, toàn bộ tử cung, thành trước sa ra ngoài âm hộ 1 khối to.
ThS.BS Nguyễn Bá Phê, Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn cho biết, các bác sĩ đã tiến hành cắt tử cung đường âm đạo, treo bàng quang, làm lại thành trước. Nếu không mổ kịp thời thì khối u to sẽ chèn ép niệu quản, gây ra tình trạng bí tiểu nghiêm trọng, cổ tử cung viêm loét rộng, dễ chảy máu, dẫn đến mất máu, thiếu máu...
Ca phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bảo Sơn. |
TS.BS Lê Thị Anh Đào, Trưởng khoa Phụ A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, theo công bố của Bộ Y tế, 10% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh sa sinh dục sau sinh, nhiều chị em âm thầm chịu đựng tình trạng sa sinh dục không đi khám chữa hoặc không điều trị tận gốc.
Sa sinh dục thường được gọi là sa dạ con hay sa tử cung. Nhưng trên thực tế, không chỉ dạ con mà thường cả bàng quang và trực tràng sa vào trong âm đạo. Trong trường hợp nặng, các tạng trên có thể sa ra ngoài âm đạo. Tuy là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, lao động...
Các chuyên gia cho biết, những phụ nữ sinh đẻ nhiều, đẻ quá sớm, những người có tiền sử chuyển dạ kéo dài, đẻ khó và đặc biệt được đỡ đẻ không an toàn gây chấn thương sinh dục hoặc đẻ xong đi làm quá sớm, phụ nữ lao động nặng nhọc vất vả có nguy cơ bị sa sinh dục cao. Tuy nhiên, sa sinh dục cũng có thể gặp cả ở phụ nữ chưa sinh đẻ do thể trạng yếu, dây chằng mỏng, tử cung ở tư thế trung gian nên khi có áp lực mạnh trong ổ bụng sẽ đẩy tử cung xa dần xuống.
Tùy theo vị trí sa của cổ tử cung so với âm hộ, sa sinh dục được chia làm 3 độ: Độ 1 (độ nhẹ), độ 2 (vừa) và độ 3 (nặng). Sa sinh dục độ 1, độ 2 hoàn toàn có thể điều trị bằng phương pháp tập luyện mà không cần phẫu thuật. Tùy theo từng người, tùy mức độ sa nhiều hay sa ít, mới sa hay sa từ lâu, sa đơn thuần hay còn có thương tổn phối hợp, có kèm theo sa bàng quang hay trực tràng mà xuất hiện những triệu chứng như: khó chịu, cảm giác tức nặng vùng cửa mình, ở bụng dưới, đau vùng sau thắt lưng, khối sa lồi ở vùng âm hộ, tầng sinh môn;...
TS.BS Lê Thị Anh Đào cho biết, có 2 phương pháp phẫu thuật khi bị sa sinh dục nặng. Phương pháp Crossen là cắt toàn bộ tử cung theo đường âm đạo, khâu treo lại bàng quang... với tỷ lệ tái phát khoảng 30%. Hiện nay, áp dụng phẫu thuật TOT đơn giản, sử dụng mảnh ghép sinh học nâng đỡ hệ thống sa để điều trị bảo tồn tử cung. Phương pháp phẫu thuật này đơn giản, tỷ lệ tái phát rất thấp, bệnh nhân ra viện sau 4 - 5 tiếng phẫu thuật.