Cần xử lý nghiêm tài xế cầm dao chém rách lốp xe buýt

Sau khi tài xế ô tô Mazda ở Hà Nội cầm dao chém rách lốp xe buýt bị tạm giữ hình sự, nhiều người đặt câu hỏi người này sẽ bị xử phạt thế nào?

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền bài đăng, clip về vụ việc trên, xảy ra vào những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Theo đó, nam thanh niên điều khiển ô tô Mazda 3 màu trắng, chặn đầu xe buýt tại đường Hoàng Quốc Việt (thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Thanh niên cầm dao quắm đe dọa người trên xe buýt rồi chém nhiều nhát vào lốp và thân xe. Sau đó, người này lên xe ô tô bỏ đi.

Ngày 20/2, cơ quan Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã làm rõ người lái ô tô là Nguyễn Lê Tuấn Đức (SN 1991, trú tại Phố Ga, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Đức khai nhận, trong khi di chuyển trên đường xảy ra va chạm với xe buýt. Khi đến điểm trung chuyển trước cổng Đại học Điện lực, Đức điều khiển ô tô phóng qua rồi dừng lại trước đầu xe buýt. Sau đó, Đức cầm 2 con dao (dạng dao quắm) đi tới đầu xe buýt, chửi bới, đe dọa, chém vào kính chắn gió phía trước và lốp xe phía trước bên trái của xe buýt. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự UBND quận Bắc Từ Liêm xác định tài sản bị hủy hoại có trị giá 18 triệu đồng.

Nội dung sự việc qua clip cho thấy, người đàn ông đi trên ô tô con dùng dao đe dọa chém tài xế xe buýt. Clip này gây ra sự phản ứng trong dư luận xã hội, nói lên hành vi của nam thanh niên có tính chất côn đồ, manh động, đe dọa tính mạng sức khỏe của người tham gia giao thông, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân sự việc, diễn biến hành vi của các bên, đặc biệt là đánh giá hậu quả gây ra đối với xã hội để xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Điều đáng chú ý, sau khi nhận được thông tin của quần chúng nhân dân qua phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh, xác định đối tượng không chỉ đe dọa hành hung lái xe buýt, mà còn cố ý làm hư hỏng tài sản, đập phá kính, chém lốp xe. Thiệt hại do hành vi trên gây ra được xác định là 18.000.000 đồng. Việc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên là nguy hiểm cho xã hội nên hành vi này đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.

Cơ quan điều tra có thể xem xét việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối tượng này về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Cụ thể, điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, cổ vật.

Như vậy, với hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản thiệt hại tới 18.000.000 đồng, đối tượng này sẽ phải đối mặt khung hình phạt có thể tới 3 năm tù. Trường hợp hành vi được xác định tái phạm nguy hiểm, hình phạt là tù từ 2 năm đến 7 năm theo quy định tại khoản 2, Điều 178 Bộ luật Hình sự.

Hành vi của đối tượng thể hiện tính chất côn đồ, manh động, ý thức coi thường pháp luật, gây hoang mang trong dư luận xã hội, thiệt hại đến tài sản của cơ quan tổ chức, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trường hợp chưa gây ra thiệt hại về tài sản, nhưng kết quả xác minh có căn cứ cho thấy hành vi này là "Đe dọa giết người" hoặc gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội đe dọa giết người theo Điều 133 hoặc tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, tội danh này có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi đe dọa tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác khiến nạn nhân sợ hãi, lo lắng mình có thể bị sát hại, cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố về tội đe dọa giết người mà không phụ thuộc hậu quả nạn nhân đã thiệt mạng hay chưa.

Tội danh và hình phạt được quy định Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015: "Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm."

Cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân sự việc, diễn biến hành vi của các bên và đặc biệt sẽ đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để xem xét xử lý đối tượng này về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản, gây rối trật tự công cộng để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Việc xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp như thế này là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, đảm bảo ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng tính mạng sức khỏe của người khác.

Theo Đời sống
back to top