Đau bụng gần 10 ngày vì vỡ động mạch chủ bụng
TS.BSCKII Nguyễn Duy Tân, Phụ trách Khoa Ngoại Lồng ngực - Tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho biết, một bệnh nhân nữ (sinh năm 1959, ngụ tại quận Thủ Đức) bị đau bụng nhiều ngày trên nền nhiều bệnh lý như suy thận, đái tháo đường, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, tràn dịch đa màng (bụng, tim, phổi)…
Bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ bụng, nhiều bệnh nền đã được các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất tiến hành can thiệp nội mạch. |
Bệnh nhân đau bụng vùng hạ sườn trái tiến triển ngày càng tăng nặng dần lên. Kết quả chụp CTscan phát hiện túi phình động mạch chậu chung trái vỡ. Các bác sĩ đã tiến hành gây tê tại chỗ vùng đùi 2 bên, chọc kim vào động mạch đùi, qua ống dẫn đặt 2 giá đỡ mạch máu phủ (Cover stent) toàn bộ khối phình động mạch chậu chung trái.
Theo TS.BSCKII Nguyễn Duy Tân, lợi điểm của cuộc mổ can thiệp nội mạch là chỉ cần gây tê tại chỗ chọc kim vào mạch máu đặt giá đỡ động mạch, nếu mổ mở bụng lớn kẹp cắt mạch máu thay bằng ống ghép sẽ phải tiến hành gây mê toàn thân, nên những bệnh nhân đang chạy thận định kỳ, tràn dịch đa màng và rất nhiều bệnh đi kèm như bệnh nhân này sẽ thể lâm vào tình trạng chảy máu nhiều, nguy cơ tử vong rất cao.
Tùi phình ở động mạch chủ bụng như vậy, thường có 2 loại. Theo TS.BSCKII Nguyễn Duy Tân, túi phình theo diễn tiến tuổi tác do thoái hóa động mạch; nhưng ở bệnh nhân chưa cao tuổi lắm như bệnh nhân nói trên, một khả năng khác vì một nhiễm trùng nào đó làm tổn thương thành mạch, tạo nên túi phình động mạch.
Can thiệp nội mạch chặn vỡ túi phình mạch máu não
Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng vừa áp dụng biện pháp can thiệp nội mạch để cứu sống kịp thời một trường hợp đột quỵ do vỡ phình động mạch não. Đó là trường hợp bệnh nhân T.D.C. (63 tuổi), nhập viện với bệnh cảnh đột ngột đau đầu dữ dội, kèm sụp mi, giãn đồng tử bên trái.
Bệnh nhân được thăm khám và cho chụp CTscan sọ não, phát hiện tình trạng xuất huyết dưới nhện với 2 túi phình. Đây là tình huống nguy hiểm, đe dọa tính mạng do túi phình có khả năng tái vỡ, bệnh nhân được khẩn trương tiến hành can thiệp nội mạch bít tắc bằng các vòng xoắn coils. Hiện tại, sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, không yếu liệt, giảm sụp mi mắt bên trái.
Xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch não là một dạng đột quỵ rất nguy hiểm, bệnh cảnh khởi phát đột ngột đau đầu dữ dội, nhiều trường hợp nặng bệnh nhân có thể hôn mê. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong rất cao lên đến hơn 90% nếu tái vỡ hoặc để lại di chứng tàn phế rất nặng nề.
Theo TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, những bệnh nhân này có thể được điều trị bằng kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu kẹp cổ túi phình hoặc can thiệp nội mạch bít tắc túi phình. Tuy nhiên, với phương pháp kẹp túi phình vi phẫu, bệnh nhân sẽ được mở sọ và thời gian hồi sức lâu hơn.
“Một trong những phương pháp hiện đại nhất hiện nay là can thiệp nội mạch bít túi phình, đường rạch da chỉ 2cm ở bẹn. Luồn một sơi dây đi trong lòng mạch máu đến túi phình và bỏ những vòng xoắn kim loại (coils) bít túi phình. Thời gian nằm viện và phục hồi tốt hơn phương pháp mổ hở hay vi phẫu thuật túi phình”, TS.BS Phạm Anh Tuấn cho biết.
Can thiệp nội mạch túi phình mạch máu não có nhiều phương án điều trị: thả coils đơn thuần, stent (giá đỡ nội mạch) chẹn cổ túi phình, stent chuyển dòng, bóng chẹn cổ túi phình…