Cao gót 120.000đ, bệt 80.000đ
Nếu ở Hà Nội, bạn chẳng còn xa lạ với những quầy bán giầy dép trên vỉa hè của các con phố hay trong các chợ. Những quày bán giầy dép này có đủ loại mẫu mã, kiểu dáng, muốn cao gót có cao gót, muốn bệt có bệt.
Đặc biệt hơn, tại những nơi này, giầy dép được bán với giá sốc, chỉ tầm khoảng 100.000 bạn đã có thể sở hữu một đôi giầy thể thao năng động hay một đôi giầy cao gót nữ tính.
Phóng viên Báo KH&ĐS tìm hiểu thị trường giầy dép giá sốc tại chợ Xanh, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại chợ Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội), các quầy bán giầy dép bày bán đủ các loại từ giầy thể thao, giầy bệt, giầy cao gót, đủ các chất liệu từ da, giả da, nhựa cao su, nhựa tổng hợp…
Theo quan sát của phóng viên KH&ĐS, ở đây, kiểu dáng gì cũng có, mẫu mã, chủng loại, màu sắc vô cùng phong phú, giả cả rẻ một cách ngỡ ngàng, 60.000 – 80.000đ cho một đôi giầy bệt, đắt hơn là giầy cao gót với giá 100.000 – 120.000đ. Quan sát thì thấy trên giầy đều ghi “made in Việt Nam” hoặc hàng Sài Gòn, thậm chí có một số đôi còn dập tên của một số thương hiệu nổi tiếng…
Quan sát kỹ, chúng tôi phát hiện, các đường may rất tạm bợ, đặc biệt, nhiều đôi giầy có mùi khó chịu. Lượng người đi mua, thử giầy dép khá đông. Hầu hết người mua khi được hỏi đều cho biết họ thích vì giá rẻ và nhiều kiểu dáng, còn về chất lượng, mọi người đều cho biết “đi thoải mái, không đau chân là được”.
Giầy dép giá rẻ thường sử dụng vật liệu phế thải được tái chế hoặc tận dụng lại nên có thể lẫn nhiều tạp chất bẩn và các hóa chất độc hại, cũng như các thành phần kim loại nặng. Hóa chất tạo màu cũng được sử dụng rất nhiều để tạo màu sắc bắt mắt, để tẩy trắng hoặc để làm tối màu vật liệu. Các hóa chất độc hại này không những bay mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến hô hấp mà còn có nguy cơ gây dị ứng, viêm da ở những người mẫn cảm.
KS Nguyễn Xuân Chính
Tồn dư hóa chất
Khi đi chọn lựa giầy dép, nhiều người có thói quen chọn theo kiểu dáng, độ vừa chân chứ ít khi để ý đến chất liệu của sản phẩm. Trong khi đó, chất liệu tạo ra các đôi giầy dép này rất quan trọng, nó không chỉ đảm bảo sản phẩm có thể được sử dụng lâu dài mà còn quyết định đến độ an toàn đối với người đi đôi giầy dép đó.
Thực tế không ít người do sử dụng giầy dép không có chất lượng tốt thường gây bí, hôi chân, thậm chí nhiều trường hợp kích ứng nặng phải vào viện điều trị đôi chân viêm da, mẩn đỏ, rát ngứa, thậm chí nổi mụn, chảy nước và sưng phồng lên.
Cần đề phòng tồn dư hóa chất trong các loại giầy dép giá sốc này.
Nguyên nhân của những biểu hiện kích ứng da này là do vật liệu sản phẩm, từ các vật liệu giả da, các chất hóa dẻo, keo dán, nhựa tái chế, hay màu tổng hợp…
Theo KS Nguyễn Xuân Chính, Công ty TNHH Da giầy Nguyên Phong, thành phần các chất hóa dẻo là những chất DOP (Dioctyl Phthalate), DEP (Diethyl phthalate), DBP (dibutyl Phthalate). Đây là những hóa chất độc hại, tuy được dùng trong công nghiệp nhưng phải tuân theo giới hạn về hàm lượng cụ thể. Tuy nhiên, thực tế là việc kiểm soát giới hạn này ở các sản phẩm trôi nổi là gần như không thể.
Ngay cả đối với giầy bằng chất liệu da thật thì hàng kém chất lượng cũng tiềm ẩn nguy cơ tồn dư hóa chất, đặc biệt là crom VI – một hóa chất kim loại nặng rất độc hại. Cụ thể, trong kỹ thuật sản xuất da giầy, công nghệ thuộc da theo phương pháp cũ thường phải dùng crom III – một dạng crom được chế tạo từ crom VI qua phản ứng một chiều.
Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo, nếu công nghệ xử lý không đảm bảo thì rất có thể một lượng crom VI sẽ còn tồn dư lại. Các loại bột crom được sử dụng trong những sản phẩm kém chất lượng không thể khẳng định chắc chắn là còn tồn dư crom VI hay không.
Ngoài ra, crom VI còn được dùng trong chất màu pigment tạo màu nâu đỏ trong sơn màu cho da giầy.
Huy Khánh