Khó kiểm soát săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã
Từ năm 1994, Việt Nam đã chính thức ký kết gia nhập Công ước quốc tế về Đa dạng sinh học (CBD) 1992 và Công ước quốc tế về Buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp 1973 (CITES). Năm 2019, Chính phủ đã có Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Song tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm, tình trạng săn bắt, mua bán ĐVHD hiện nay rất khó bị phát hiện bằng cách trà trộn ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp từ tự nhiên với ĐVHD gây nuôi sinh sản hợp pháp để buôn bán, từ đó đã đẩy nhiều loài ngoài tự nhiên có nguy cơ tuyệt chủng, gây ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và hiệu lực thực thi pháp luật.
Ngoài ra, quy định xử lý các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi, nhốt, lấy dẫn xuất, giết, vận chuyển mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh trái phép động vật rừng và các sản phẩm bộ phận của chúng căn cứ vào giá trị tang vật vi phạm. Tuy nhiên, các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm bị cấm lưu hành trên thị trường (nhóm IB) nên không có giá thị trường, do đó việc định giá tang vật vi phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính gặp vướng mắc khi không có căn cứ để xác định giá trị.
Do đặc điểm, tính phức tạp của các hành vi săn bắt, vận chuyển, mua bán động vật rừng, các đối tượng luôn manh động chống trả hoặc sử dụng các biện pháp tinh vi nhằm che giấu hành vi vi phạm nên thời gian điều tra các vụ án thường kéo dài, số vụ đưa ra xét xử thấp dẫn đến hạn chế tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật….
Chủ trương của Nhà nước và quy định pháp luật quốc gia cũng như quốc tế luôn khẳng định việc mua bán, tiêu thụ ĐVHD theo danh mục luật định là hành vi bị nghiêm cấm. Song đồng thời việc đó cũng đặt ra câu hỏi về các quy định pháp luật triển khai và thực thi chủ trương đó cần được xây dựng và tuân thủ thế nào cho hiệu quả.
Cần cơ chế mới bảo vệ con người
Trong khi đó, ĐVHD là những vật thể trung gian mang các mầm bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm... có thể lây lan sang người.
Năm 2020, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc đã nhận định nguồn phát sinh virus SARS-Cov-2 là từ động vật hoang dã, hay cụ thể hơn là từ loài dơi. WHO cũng cho rằng, dịch SARS năm 2002 - 2003 được xác định là bắt nguồn từ loài cầy hương. Ước tính, 70% mầm bệnh toàn cầu được phát hiện trong 50 năm qua đến từ động vật.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ăn thịt động vật hoang dã (ĐVHD) đã thành là tập quán. Có cầu ắt có cung, tình trạng săn bắt, mua bán vận chuyển ĐVHD xảy ra tràn lan, nhức nhối ở khắp mọi miền.
Ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững lý giải: “Các quy định hiện nay về ĐVHD ở nước ta khá chặt chẽ nhưng không hiểu tại sao các thị trường ĐVHD, chợ đồ tươi sống vẫn còn rất nhộn nhịp và nhiều vấn đề vẫn bị bỏ qua. Theo tôi, vấn đề nằm ở nguồn lợi kinh tế từ ĐVHD. Nguồn thu quá lớn nên người ta đã bỏ qua hàng rào pháp lý. Do vậy, cần xem xét siết chặt việc thực thi các khung pháp lý hiện hành, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề tham nhũng liên quan mua bán, tiêu thụ ĐVHD".
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã 2 lần ban hành công văn bao gồm Công văn số 1744/VPCP-KGVX và Công văn số 2665/VPCP-NN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ liên quan yêu cầu khẩn trương soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng về việc nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD trình Thủ tướng.
Nhưng đã hơn 3 tháng kể từ thời hạn mà Thủ tướng đưa ra cho các bộ, ngành nhưng vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về việc Chỉ thị được ban hành.
Trước tình hình này, 4 tổ chức xã hội bao gồm Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD) đã có kiến nghị gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD.
Cụ thể, dựa trên nguyên tắc bảo vệ con người trước sự xâm hại của các virus từ động vật, 4 tổ chức này kiến nghị cần tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành trong công tác bảo vệ ĐVHD cũng như ngăn chặn, xử lý vi phạm các hành vi xâm hại đến ĐVHD. Trong đó các bộ ngành đặc biệt liên quan đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ hai, căn cứ xây dựng chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến mua bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD cần được dựa trên đánh giá khách quan liên quan đến tác động đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Thứ ba, đảm bảo thực thi nghiêm ngặt chế tài xử phạt hành vi mua bán, tiêu thụ ĐVHD. Với kiến nghị này, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cần phối hợp cùng Bộ Công an tiến hành rà soát các địa bàn tiêu thụ ĐVHD trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, Viện Kiểm sát các cấp thực hành quyền công tố, buộc tội và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.