Dường như chỉ những ngôi nhà cổ mới có cái ngưỡng cửa.
Vừa rồi vào Đà Nẵng, đoàn chúng tôi ra thăm cù lao Chàm. Nói là đi bằng tàu cao tốc, nhưng vì đoàn đông nên phải chia ra, một số đi bằng ca nô, xóc ghê gớm, người đau nhừ tử, mệt. Tưởng thế là là hỏng hết cả chuyến đi. May làm sao chúng tôi được đi với một bác hướng dẫn viên du lịch rất tuyệt.
Chân bác bị tật, đi tập tễnh, nhưng nghe bác kể chuyện thì hay vô cùng. Từ lịch sử ngôi chùa cổ đến lai lịch, nguồn gốc những vị được thờ… có những sự kiện được nghe rồi, biết rồi, nhưng qua lời bác kể vẫn hấp dẫn và có sức sống hơn nhiều.
Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người qua chuyến đi này đã nhận được một bài học về văn hóa dân gian rất hay. Đó là câu chuyện về cái ngưỡng cửa và con mắt trên cửa. Cái ngưỡng cửa không có gì là xa lạ (nói thế nhưng có lẽ giờ thì nó thành xa lạ thật vì những ngôi nhà hiện đại đâu còn ngưỡng cửa nữa), tuy nhiên ý nghĩa của nó thế nào thì tôi chưa hề biết, cũng chưa một lần nghĩ tới.
Ngưỡng cửa là để khi bước vào nhà bạn bỏ lại bên ngoài mọi bon chen, tính toán thiệt hơn, mọi bực bội, để trở về thật thoải mái, vô tư giữa những người thân yêu…
Nhà có ngưỡng cửa để khi bước ra, bước vào, người ta phải nhìn xuống chân mình để khỏi phải vấp và cũng để biết nhập gia tùy tục, không thể tùy tiện theo ý mình.
Ngưỡng cửa cũng là để khi quét nhà đến đây người ta phải dừng lại để hót rác chứ không được hất bừa ra ngoài, giữ cho mọi thứ tốt cũng như xấu ở trong phạm vi nhà mình chứ không đẩy cả ra ngoài.
Bác còn bảo, trước đây ở miền trong, trên cửa chính của mỗi ngôi nhà đều có hình một con mắt. Dù bạn đi đâu khắp bốn phương trời này thì con mắt của ngôi nhà vẫn sẽ dõi theo bạn, mong bạn trở về. Để mỗi người trước khi làm một việc gì đó khuất tất cũng phải biết nghĩ rằng con mắt cửa vẫn nhìn thấy tất cả.
Bác có một câu rất hay mà tôi chưa từng nghe ai nói: Người phương Tây có thể tự hào vì họ có khoa học công nghệ, còn chúng ta tự hào vì chúng ta có con mắt cửa, có cái ngưỡng cửa này.
Trời đất ạ, một triết lý hay đến như thế mà sao từ trước tới nay tôi chưa được nghe qua lần nào. Chúng ta cứ hô hào giữ gìn truyền thống, nhưng cứ nói chung chung thế thì biết giữ cái gì. Trong khi những cái cụ thể và đơn giản như cái ngưỡng cửa và con mắt cửa lại không biết để mà giữ.
Hy vọng là đã nhiều người biết điều này và cũng hy vọng nó đã được ghi vào sách nào đó rồi để nếu người ta không đọc hôm nay thì mai sau sẽ đọc, chứ nhất quyết không thể để mất đi những thứ ý nghĩa như vậy.
Minh Anh