Cải cúc chữa ho, giải cảm

(khoahocdoisong.vn) - Ngoài được sử dụng như một loại rau giúp khai vị làm ăn ngon, cải cúc còn là vị thuốc giúp tiêu hoá, trừ đờm, tán phong, chữa bệnh do giá lạnh...

Theo Đông y cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát giúp tiêu hoá, trừ đờm, tán phong, có tác dụng chữa ho, đau đầu, giải cảm, Bộ phận dùng làm thuốc là lá, dùng tươi hoặc đã làm khô trong mát (không phơi nắng vì làm mất tinh dầu thơm).

Theo nghiên cứu hiện đại, trong rau cải cúc chứa 1,85% protid; 2,57% gluxid; 0,43% lipid và có nhiều vitamin B, C.

Một số cách đơn giản chữa bệnh từ cải cúc

 Ho ở trẻ em: Lá cải cúc 20g thái nhỏ, thêm ít mật ong hấp cách thuỷ cho ra nước để uống trong ngày.

Chứng ho dai dẳng: Rau cải cúc 150g, phổi heo 200g. Nấu canh đủ 1 bát to để ăn với cơm, ăn liền 3 – 4 ngày một liệu trình.

 Đau mắt: Rau cải cúc 100g thái nhỏ nấu với một con cá diếc khoảng 100g để ăn. Ngoài dùng lá rau cải cúc rửa sạch, hơ nóng chườm lên mắt (hoặc cho vào vải mỏng chườm).

 Chứng nhức đầu kinh niên: Mỗi ngày uống 100g nước sắc rau cải cúc. Ngoài dùng lá cải cúc hơ nóng chườm đắp lên đỉnh đầu và hai bên thái dương vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc mỗi khi thấy nhức đầu.

Cháo giải cảm cúm (đau họng, ho, sốt): Rau cải cúc tươi 100g cho vào bát to, đổ cháo đang sôi lên trên để 5 – 10 phút cho đỡ nóng thì trộn rau lên ăn.

 Thổ huyết: Lấy cải cúc 100g rửa sạch, cắt đoạn ngắn giã nát nhuyễn, thêm ít nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước cốt uống ngay.

Làm tỉnh táo đầu óc chống mỏi mệt, biếng ăn: Cải cúc tươi 100g ăn tái nóng và nếu ăn canh hoặc xào thì phải cho cải cúc vào khi nước đã sôi, khi canh sôi lại nhắc ra ngay.

Canh cải cúc bồi bổ

Rau cải cúc nấu thịt bằm: Rau cải cúc 200g, thịt heo 100g băm nhỏ, ướp hạt nêm, gừng tươi thái chỉ, nhỏ. Đặt nồi lên bếp, cho dầu ăn vào, cho thịt vào đảo nhanh, sau đó cho nước sôi vào, nêm bột nêm, nước mắm cho vừa miệng. Thả gừng tươi vào. Khi nước sôi lại cho rau cải cúc vào, nhắc xuống liền và múc ra tô.

 Rau cải cúc trộn dầu giấm: Rau cải cúc 200g, cà chua 100g, củ hành 2 nhánh, trứng gà 2 quả. Rau cải cúc rửa sạch, cà chua rửa sạch, xắt khoanh mỏng, hành xắt nhỏ và ngâm giấm, trứng luộc chín, xắt khoanh. Trộn dầu ăn + giấm + muối + tiêu + đường. Bày cải cúc ra đĩa, xếp cà chua và trứng, củ hành lên trên, rưới nước dầu giấm lên dĩa rau. Khi ăn trộn đều.

 Canh cải cúc nấu thịt bò: Thịt bò phi lê 100g băm nhỏ, rau cải cúc 200g rửa sạch cắt khúc, tỏi băm 2 nhánh. Phi thơm tỏi băm với dầu ăn, cho thịt bò vào, đảo nhanh tay 2 phút, nêm ít hạt nêm. Nấu sôi nước, cho thịt bò vào, nêm gia vị vừa ăn, đợi nước sôi lại rồi cho rau cải cúc và nhắc xuống thật nhanh. Múc rau cải cúc nấu với thịt bò bằm ra tô, dọn ăn với cơm.

 Canh cải cúc cá diếc: Cá diếc 500g, cải cúc 150g, một ít rượu, dầu vừng, tiêu, muối, bột ngọt vừa đủ. Rán vàng 2 mặt cá, cho rượu vào đảo sơ, cho gừng, nước đun lửa nhỏ cho chín cá, cho cải cúc vào cho sôi lại nêm gia vị.

 Canh cải cúc đầu cá mè: Đầu cá mè to 1 cái, cải cúc 500g, gừng tươi 3 lát, rượu một ít, gia vị. Rán đầu cá cho vàng thơm, cho gừng vào đảo đều, rồi tưới rượu lên và lượng nước vừa đủ hầm chín. Cho cải cúc vào đun lại cho sôi, nêm gia vị vừa đủ.

Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Việc nhầm lẫn giữa nhìn mờ do đột quỵ và các bệnh về mắt là một vấn đề phổ biến, sự chủ quan có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khiến người bệnh mất đi cơ hội điều trị sớm hoặc để lại những di chứng nặng nề.
back to top