Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, giao mùa xuân hè, thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn, tác nhân gây bệnh đặc biệt là bệnh cúm mùa có xu hướng gia tăng rất nhanh. Để phòng cúm mùa, người dân nên thực hiện các giải pháp sau:
Tiêm phòng cúm
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc tiêm phòng cúm là cách tốt nhất để tránh bị bệnh. Vì vaccine cung cấp sự bảo vệ chống lại bệnh cúm mùa do các chủng có trong vaccine gây ra, bắt đầu có hiệu quả từ 10 - 14 ngày sau khi tiêm vaccine.
Các chủng virus gây cúm mùa mỗi năm thường không giống nhau và đó là lý do tại sao nên tiêm ngừa vaccine cúm mùa hàng năm, bởi vì vaccine cúm mùa năm sau thường cập nhật các chủng gây bệnh của năm trước đó.
Chăm sóc bệnh nhân mắc cúm A tại Lào Cai |
Vệ sinh cá nhân
Người dân cần tuân thủ tốt các thói quen vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm tránh lây nhiễm sang vật dụng khác, cho người khác; thường xuyên vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường;
Rèn luyện sức khỏe
Thường xuyên tập thể dục thể thao làm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật nói chung và đối với bệnh cảm cúm nói riêng. Tuy nhiên, khi đã nhiễm cảm cúm rồi thì nên nghỉ ngơi, tránh luyện tập quá sức, vì cơ thể lúc đó đã mệt mỏi.
Sinh hoạt và dinh dưỡng
Để hệ miễn dịch của cơ thể được tốt, cần kết hợp ăn uống, luyện tập và ngủ nghỉ một cách khoa học, điều độ. Ngủ đủ giấc không những giúp không bị cảm cúm mà còn giúp ích rất nhiều trong những lĩnh vực khác.
Ngủ đầy đủ trong thời gian bị ốm cũng sẽ giúp bệnh nhân mau hồi phục hơn. Cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng của cơ thể. Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hạn chế tiếp xúc
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Trường hợp cần nhập viện ngay khi: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, sử dụng thuốc hạ sốt không đáp ứng; Biểu hiện co giật; Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, nôn trớ nhiều lần, bỏ ăn/bỏ bú, chân tay lạnh; Khó thở, thở nhanh....
Cách chăm sóc trẻ bị cúm
Áp dụng các biện pháp cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho người khác, hạn chế ra khỏi phòng bệnh, khi ra khỏi phòng cần đeo khẩu trang cho trẻ.
Hạn chế người vào thăm hỏi, tiếp xúc với trẻ nếu không thực sự cần thiết. Người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang ngoại khoa.
Phối hợp dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho (nếu có) và/hoặc thuốc kháng sinh cho trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
Theo dõi thân nhiệt, nhịp thở, tình trạng tăng tiết, tím da, môi và đầu ngón tay.
Nuôi dưỡng: Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, bột, sữa và uống nhiều nước nhất là nước hoa quả có nhiều vitamin C.
Vệ sinh khay ăn, thau chậu, bô, và các vật dụng của trẻ bằng xà phòng.
Giữ ấm cho trẻ, nhất là khi trời lạnh.
Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ: Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.