Cách phát hiện sớm sởi và viêm não do sởi: Sởi bay viêm não xuất hiện

(khoahocdoisong.vn) - Phát hiện sớm, điều trị kịp thời viêm não do sởi sẽ giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 20%. Viêm não thường xuất hiện sau khi sởi đã bay hết nên chớ chủ quan.

Không ở vùng dịch vẫn mắc bệnh

Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị cho một bệnh nhân người lớn bị viêm não - màng não do biến chứng của sởi rất nặng. Đó là bệnh nhân Đ.H.V (28 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi chưa bay hết. Kết quả xét nghiệm dịch não tuỷ có biến loạn với chẩn đoán viêm não - màng não do sởi. Khai thác bệnh sử dịch tễ được biết, trước khi phát bệnh, bệnh nhân đang sống và làm việc tại Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh - nơi được xác định đang có dịch sởi và không nhớ đã được tiêm phòng sởi trước đó hay chưa. 

Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 8/2/2019 bệnh nhân xuất hiện sốt cao, sau 3 ngày xuất hiện phát ban, tính chất ban dạng sởi, kèm đi ngoài phân lỏng, mắt đỏ và chảy nước mắt, nước mũi. Bệnh nhân được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện Hồng Ngọc, Hà Nội với chẩn đoán sốt phát ban, xét nghiệm IgM sởi dương tính. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện khó tiếp xúc, rối loạn định hướng, bí tiểu. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viêm não do sởi và được chuyển đến Bạch Mai ngày 17/2/2019.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ cuối năm 2018 tới nay, do thời tiết diễn biến bất thường, khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca sởi người lớn, nhiều ca nặng trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh mạn tính. Tuy nhiên, đây ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bị biến chứng viêm não - màng não gặp trong mùa dịch năm nay.

"Tình trạng bệnh nhân khá nặng vì rối loạn ý thức, thở ô-xy và đang được theo dõi sát sao tại phòng hồi sức cấp cứu. Theo phác đồ của Bộ y tế, bệnh nhân sởi có biến chứng viêm não cần được chỉ định điều trị hỗ trợ bằng Imunoglobulin miễn dịch (IVIg) là loại thuốc rất đắt tiền. Nếu điều trị tích cực bệnh có thể phục hồi nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến phát triển trí não, tinh thần, thể chất" - PGS.TS Đỗ Duy Cường chia sẻ.

Ban sởi trên chi thể bệnh nhân

Ban sởi trên chi thể bệnh nhân

Viêm não thường xuất hiện sau khi đã hết sởi

ThS Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó giám đốc bệnh viện Nhiệt Đới TƯ cho biết, biến chứng viêm não – màng não – tủy cấp là biến chứng nguy hiểm hiếm gặp chỉ chiếm tỷ lệ 0,1- 0,2% ca bệnh sởi. Bệnh nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 20% nhưng đa phần được phát hiện muộn nên tỷ lệ tử vong và di chứng cao.

ThS Nguyễn Hồng Hà phân tích, biến chứng viêm não, viêm màng não ở bệnh nhân sởi là do phản ứng miễn dịch cơ thể. Nhiều người lớn, khi khỏi sởi rồi, ra viện hết ban rồi mới bị viêm não. Bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao vọt co giật, rối loạn ý thức: u ám – hôn mê, liệt ½ người hoặc 1 chi, liệt dây III, VII hay gặp hội chứng tháp – ngoại tháp, tiểu não, tiền đình…

Viêm não do sởi là viêm não thứ phát, viêm não có thể là do  đáp ứng quá mẫn, một đáp ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với các chất lạ. Tuy nhiên trong bệnh sởi, ngoài viêm não do quá mẫn (xuất hiện khá sớm sau sởi) thì còn biến chứng viêm não xơ hóa bán cấp tiến triển do virus cư trú trong tế bào thần kinh trung ương.

Vì vậy, ThS Nguyễn Hồng Hà khuyên, sau khi hết sởi, ra viện chớ nên chủ quan mà cần theo dõi sát bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu bất thường tự nhiên ít nói, bần thần, nhìn vào một chỗ, mắt không tinh nhanh, chậm chạp...,sợ ánh sáng, nhức đầu hay cứng cổ hoặc nặng hơn nữa thì sốt cao, co giật...là bị biến chứng viêm màng não, viêm não.... phải đi viện ngay. Điều trị sớm bệnh nhân bị biến chứng sẽ có cơ hội tiến triển tốt.

Để phòng bệnh sởi, cần vệ sinh hô hấp và vệ sinh tay, che miệng khi ho hắt hơi, cách ly người bệnh và hạn chế tiếp xúc chỗ đông người. Phòng bệnh hiệu quả nhất bằng cách tiêm vắc xin sởi. Hiện nay trên thị trường có sẵn vắc xin sởi đơn hoặc phối hợp sởi - quai bị - Rubella (MMR) rất an toàn. Các bà mẹ nên đưa trẻ độ tuổi 9 tháng tuổi đi tiêm phòng và sau đó nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Người lớn chưa được tiêm chủng, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên đi tiêm ngừa sởi tại các điểm tiêm chủng (tiêm dịch vụ).

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top