ThS Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh, sởi là bệnh do virus gây ra, rất dễ lây lan trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (các giọt dịch tiết bắn ra khi ho và hắt hơi). Đây được coi là bệnh lành tính. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là các biến chứng của bệnh sởi.
Các biến chứng thường gặp: Viêm phổi, tiêu chảy,viêm thanh khí phế quản, suy dinh dưỡng, viêm tai giữa, loét miệng, biến chứng mắt (do bị bội nhiễm, loét giác mạc gây mù loà).
Các biến chứng ít gặp hơn nhưng rất nguy hiểm: Viêm não - viêm màng não - viêm tuỷ cấp tính; viêm cơ tim….
Đối với bệnh sởi biến chứng viêm phổi, ở trẻ em thường xảy ra nhiều hơn người lớn. Có 2 khả năng biến chứng phổi do virus sởi. Trong quá trình phát ban bị phổi. Và nguy hiểm hơn là viêm phổi xuất hiện muộn khi ban đã bay, khi đó dễ bị bội nhiễm. Biểu hiện trên những bệnh nhân này thường là nặng, sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ran. X quang có hình ảnh phế quản phế viêm. Bạch cầu tăng, neutro tăng. Đây thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.
Ở người lớn bệnh cũng có thể tiến triển và biến chứng nặng. Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, và trước khi phát ban, người bệnh viêm long đường hô hấp rất mạnh như sốt, ho khan, chảy nước múi, mắt đỏ... rất rõ. “Đặc biệt, bệnh sởi trên cơ thể người trưởng thành chưa được miễn dịch sẽ là bệnh sởi không điển hình và tiến triển dễ bị nặng”, ThS Nguyễn Hồng Hà nói.
Những người dễ bị mắc bệnh sởi là: Trẻ quá nhỏ chưa đến tuổi được tiêm phòng sởi; Những người chưa bao giờ tiêm phòng sởi; Những người không tiêm ngừa đủ 2 mũi sởi; Người được tiêm ngừa nhưng không tạo được miễn dịch hiệu quả.
Ở người lớn, cơ chế gây bệnh không khác trẻ em. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào. Hoặc những giọt nước bọt có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại… nếu sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, người đó rất dễ bị lây bệnh. Khi siêu vi sởi tấn công vào người bệnh, nó sẽ khu trú trong tế bào ở cổ họng và phổi, sau đó lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da.
Thầy thuốc, người có kinh ngiệm, có thể phát hiện ra bệnh nhân mắc sởi sớm trước khi xuất hiện ban trên cơ thể. Khi đó, bác sĩ quan sát sẽ thấy trong miệng bệnh nhân có những nốt nhỏ với trung tâm màu xanh trắng. Những nốt này có tên là đốm Koplik. Sau khi sốt khoảng 3 – 4 ngày, nốt ban mới xuất hiện từ đầu, mặt, sau gáy rồi lan xuống ngực, bụng rồi tay chân. Có thể chẩn đoán sởi sớm ở giai đoạn viêm long qua xem xét nghiệm và các yếu tố dịch tễ. Sau khi phát ban, bệnh nhân có thể xét nghiệm máu để tìm ra virus sởi.
“Điều quan trọng là phải chẩn đoán được bệnh sởi để có cách xử lý đúng. Vì bệnh sởi nếu lành tính thì sẽ tự khỏi nhưng nếu biến chứng thì rất nguy hiểm. Bởi sởi tuy lành tính nhưng được xếp vào những bệnh virus gây tử vong cao nhất khi có tổn thương hệ hô hấp, thần kinh. Sởi là bệnh gây suy giảm miễn dịch nên bệnh nhân dễ mắc bệnh khác” – ThS Nguyễn Hồng Hà
Các triệu chứng đầu tiên của nhiễm sởi: Thường là ho, sổ mũi, sốt cao và mắt đỏ. Trong niêm mạc miệng hai bên má có thể thấy các đốm trắng, đỏ thành từng cụm (đốm Koplik trong những ngày đầu của bệnh). Phát ban bùng phát từ ngày 3 - 5 của bệnh, đôi khi cùng với sốt cao. Phát ban đỏ thường bắt đầu ở trán, lan khắp mặt, sau đó xuống cổ và thân đến cánh tay, chân và bàn chân. Sốt và phát ban từ từ biến mất sau vài ngày.