Cách ăn uống giúp giải nhiệt ngày hè

Thời tiết oi bức, nóng nực khiến cơ thể mất nước, mau mệt mỏi. Nhiều người khi thời tiết nóng còn lên rất nhiều mụn nhọt. Vào mùa hè nên lựa chọn thực phẩm thế nào giúp cơ thể giải nhiệt?

Loại rau quả nên ăn trong ngày nắng nóng

Theo BS Lê Thị Hải, nguyên Viện Dinh dưỡng QG, những ngày trời nóng nên hạ nhiệt cơ thể bằng cách giảm ăn đồ cay, nhiều đạm. Nên ăn tăng các thực phẩm như cá, lươn, tôm, cua, các loại rau quả mát, dễ tiêu hóa. Mồng tơi là loại rau mát. Có thể lấy mồng tơi, rau đay, mướp nấu canh cua vừa dễ ăn, vừa mát. Rau mồng tơi có tính bình, ngọt mát nên giải nhiệt tốt. Canh bầu, hến cũng rất tốt cho sức khỏe. Quả bầu theo dân gian có tính mát, giúp thanh nhiệt, lợi tiểu. Bầu luộc, bầu nấu canh đều tốt cho sức khỏe.

Cùng họ hàng với bầu, bí xanh rất tốt cho sức khỏe. Để phòng chống say nắng, say nóng, người ta dùng bí xanh trị bệnh. Theo LY. Thu Hằng, TT Nghiên cứu cây thuốc và bài thuốc gia truyền, có thể lấy bí xanh, lá sen, gạo tẻ nấu cháo, cho ít đường ăn khi còn ấm. Ngày ăn hai lần sẽ giúp khỏi bệnh, cơ thể giải nhiệt, mát mẻ.

Cũng có thể lấy bí xanh, gọt bỏ vỏ, ép lấy nước cốt rồi cho thêm vài hạt muối vào để uống. Mỗi ngày uống 2– 3 lần giúp phòng say nắng, say nóng. Mướp đắng cũng là loại quả có tính mát, vị đắng, giúp giải nhiệt tốt, giảm bớt mệt nhọc. Nếu muốn dai sức, chống nóng có thể chế biến các món ăn từ mướp đắng để cải thiện sức khỏe.

Bí ngô là thực phẩm tưởng nóng nhưng thực chất, bí ngô phòng chống say nắng rất tốt. Bí ngô có chứa nhiều beta carotene, thành phần giúp bảo vệ sức khỏe của da. Theo đông y, bí ngô giúp hạ nhiệt và chống say nắng. Ngoài ra có thể sử dụng rau dền trong ngày hè bởi rau dền tính mát, chứa nhiều dưỡng chất có lợi như sắt, canxi, vitamin C và lysine. Trong rau dền, hàm lượng chất sắt, canxi rất cao. Rau dền không chứa axit oxalic, do vậy canxi và sắt trong rau dền sau khi đi vào cơ thể dễ được tận dụng và hấp thụ hết. Rau dền cũng là rau tốt cho phụ nữ mang thai.

Loại nước nên ưu tiên

Nước dừa là loại thức uống nên được ưu tiên ngày hè. Nước dừa nhiều dinh dưỡng như magie, kali, muối, đường tự nhiên giúp cơ thể vừa bớt háo nước vừa giải nhiệt nên chống nắng rất tốt. Theo các chuyên gia, nước dừa giàu kali và các khoáng chất, giúp điều hòa dịch nội bộ và bổ sung nước cho cơ thể.

Nước dừa được sử dụng để điều trị chứng mất nước khi bị bệnh lỵ, dịch tả, tiêu chảy, cúm và sự cân bằng chất điện phân. Uống một cốc nước dừa mỗi ngày giúp giảm nguy cơ bất thường của đường tiêu hóa, tạm biệt nhiệt miệng và nhanh chóng hồi phục cơ thể sau khi mất nước.

Chanh là loại quả giàu vitamin C. Khi đi nắng về, uống 1 cốc nước chanh sẽ cung cấp cho cơ thể lượng vitamin C đáng kể, giúp cơ thể loại bỏ mệt mỏi, chóng mặt, giúp hạ nhiệt cho cơ thể.

Dưa hấu là loại quả có sẵn vào mùa hè. Trong dưa hấu có đường gluco, fructose, citrulline, axit propionic, alanine, axit glutamic, arginine, axit phosphoric, axit malic, muối, carotene, vitamin C… nên tốt cho sức khỏe, phòng chống say nắng rất tốt.

Theo LY. Thu Hằng, vào ngày hè mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn vài cân bột sắn dây dùng dần. Theo đông y, bột sắn dây có vị ngọt, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, chữa cảm sốt, nhức đầu, mụn nhọt. Sắn dây (hay còn gọi là cát căn) giúp cơ thể thanh nhiệt, sinh tân dịch, trừ phiền nhiệt, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc.

Bột sắn dây có tác dụng chữa sốt, chữa sởi không mọc được, chữa cơ thể buồn bực khó chịu, khát nước, nhức đầu, kiết lỵ… Bột sắn dây có tác dụng hạ nhiệt, cải thiện lưu lượng tuần hoàn não và động mạch vành tim. Làm giảm đường huyết, điều hòa rối loạn lipid máu, hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim nên rất tốt cho cơ thể.

Ngoài ra, trong những ngày trời nắng, tránh đi ra đường vào giữa trưa, tránh vận động mạnh không cần thiết. Khi ra ngoài nắng nên mặc trang phục chống nắng. Đi nắng về nên ngồi quạt mát, nếu không có nước hoa quả có thể uống nước nguội (không nên lạm dụng nước đá) nên uống nước kể cả khi không khát.

Khánh Thủy

Theo Đời sống
back to top