Các nước xử lý tội bạo hành trẻ em thế nào?

Nhiều quốc gia coi “bạo hành trẻ em” là trọng tội, thậm chí người biết về tình trạng bạo hành trẻ em mà không trình báo tới cơ quan chức năng, cũng sẽ bị phạt.

Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, bạo lực khiến trẻ em trở lên bạo lực hơn trong xã hội. Bạo lực cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em bị tổn thương về cả tâm lý lẫn thể xác, học hành sa sút, tự tử hoặc thậm chí có nguy cơ trở thành người có khuynh hướng chống đối xã hội khi trưởng thành.

Đạo luật bảo vệ trẻ em ở các nước

Thuỵ Điển được coi là quốc gia đi đầu trong việc thiết lập hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em. Cụ thể, nước này đã ban hành đạo luật cấm bạo hành trẻ em trong gia đình từ năm 1966 – sớm nhất thế giới.

Luật pháp Singapore cũng quy định rất rõ, các hành vi ngược đãi dù không gây thương tích vẫn sẽ bị phạt, bạo hành trẻ em dưới 16 tuổi bị phạt tới 8.000 USD kèm theo án phạt tù lên tới 8 năm, trong trường hợp ngược đãi trẻ em dẫn tới tử vong, án tù tối đa có thể lên tới 14 năm kèm theo đó là khoản tiền phạt 40.000 USD.

Tại Mỹ, luật pháp từng Bang quy định khác nhau về hình phạt dành cho tội bạo hành, xâm phạm hoặc ngược đãi trẻ em. Tuy nhiên về cơ bản, luật pháp Mỹ cấm triệt để mọi hành vi bạo lực với trẻ em, cho dù chỉ là một cái tát – và chỉ cần người đánh trẻ em trên 18 tuổi, bất kể người đó là ai, cũng sẽ đều bị tống giam ngay lập tức và phải ra tòa để nhận quyết định khởi tố.

Như ở bang Alabama, tội tra tấn, đánh đập tàn nhẫn hoặc cố ý ngược đãi vị thành niên sẽ bị phạt từ 1 tới 10 năm tù kèm theo khoản tiền phạt tối đa 15.000 USD. Tội lạm dụng trẻ em có thể bị phạt tới 20 năm tù kèm khoản tiền phạt 30.000 USD. Trong trường hợp lạm dụng trẻ em dẫn tới tử vong, án phạt tối đa có thể lên tới 99 năm tù.

Tại bang Florida, người có trách nhiệm báo cáo vụ việc nhưng không khai báo với cơ quan hành pháp về hành vi ngược đãi, bạo hành hoặc lạm dụng trẻ em, cũng phải đối mặt với án tù giam tối đa 93 ngày và phạt tiền 100 USD. Trong trường hợp cố tình khai báo sai sự thật, người vi phạm sẽ phải đối mặt với án tù 4 năm và khoản tiền phạt 2.000 USD.

Đầu năm 2022 vừa rồi, chính phủ Anh đã thông báo kế hoạch tăng mức phạt với tội danh bạo hành trẻ em. Theo luật sửa đổi, bất cứ ai gây ra hoặc góp phần gây ra cái chết của một đứa trẻ do họ chăm sóc, sẽ phải đối mặt với án tù chung thân – thay vì mức án phạt tối đa 14 năm như trước đây.

Trường hợp gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất với trẻ em và có hành vi man rợ với người dưới 16 tuổi, hình phạt tối đa sẽ là 14 năm tù – thay vì 10 năm như trước đây.

Từ năm 2019, Quốc hội Pháp đã thông qua luật cấm triệt để hành vi đòn roi vào tay, mông nhằm mục đích giáo dục trẻ em.

Ở Hàn Quốc, tội vi phạm Đạo luật Phúc lợi trẻ em và hành vi bạo hành trẻ em có thể phải đối mặt với án phạt lên tới 10 tháng tù giam, 2 năm quản chế và 40 giờ học về phòng chống lạm dụng trẻ em. Ít nhất đã có 59 quốc gia khác trên thế giới ban hành bộ luật tương tự.

Vụ 2 bảo mẫu bạo hành bé 17 tháng tuổi tử vong tại cơ sở mầm non tư thục (Thường Tín, Hà Nội) mới đây gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo hành trẻ em. Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành đã bị công an khởi tố với cáo buộc bạo hành bé đến tử vong trong quá trình nhận trông giữ bé.

Hậu quả khó khắc phục

Mặc dù đã có những bộ luật nghiêm khắc để bảo vệ trẻ em, nhưng vẫn còn rất nhiều trẻ em bị lạm dụng và bạo hành trên khắp thế giới.

Theo báo cáo của Hội nghị về Công tác Bảo vệ Trẻ em được tổ chức ngày 6/8/2018 ở Việt Nam, bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở mọi quốc gia, xuất hiện trong mọi nền văn hoá. Báo cáo nêu rõ, ¾ trẻ em từ 2-4 tuổi trên thế giới – tương đương khoảng 300 triệu em, bị chính cha mẹ, người chăm sóc áp dụng các hình thức kỷ luật bằng bạo lực về thể chất hoặc tâm lý.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ trẻ em bị bạo lực và xâm hại vào hàng cao so với thế giới. Tỷ lệ bị xâm hại thân thể dao động từ 10% (Trung Quốc) cho tới 30,3% (Thái Lan). Bạo lực, xâm hại trẻ em gây hậu quả trước mắt và lâu dài trong suốt cuộc đời. Nghiên cứu ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương cho thấy tổng thiệt hại do bạo lực, xâm hại trẻ em gây ra, đặc biệt do các vấn đề sức khỏe và các hành vi nguy cơ cao về sức khỏe, ước tính 206 tỉ USD, xấp xỉ 2% tổng GDP của khu vực này.

Với những điều luật hà khắc và chặt chẽ được nhiều quốc gia đề ra, những kẻ bạo hành và lạm dụng trẻ em đều phải nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Tuy nhiên, hậu quả của những hành vi này với trẻ em, sẽ không bao giờ khắc phục được.

Theo Đời sống
back to top