Trẻ bị bạo hành đằng sau cánh cửa mỗi gia đình
Không kể đến những vụ bạo hành dã man rúng động dư luận cướp đi sinh mạng của trẻ như: Vụ “mẹ kế” bạo hành đến chết bé N.T.V.A (8 tuổi ở TP HCM); Vụ bé gái 3 tuổi bị nhân tình của mẹ cắm 9 cây đinh vào đầu dẫn tới tử vong ở Thạch Thất, Hà Nội; Vụ bố dùng đũa đánh con lớp 1 đến chết ở Hà Nội; Vụ Cha ruột ở Quảng Nam ném con 5 tuổi xuống sông…thì trong tháng 8/2022 hàng loạt vụ BHTE tiếp tục xảy ra.
Theo Bộ Công an, trung bình mỗi năm nước ta có hơn 2000 trẻ em bị bạo hành, xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân.
Ngày 25/8, Công an tỉnh Hà Giang đã tạm giữ Khá Mí Pó (SN 1996, ở Thâm Luông, Du Già, Yên Minh, Hà Giang) vì đã dùng thanh sắt và con dao dạng liềm, hơ vào lửa nóng rồi dí vào tay chân 2 cháu họ, khiến 2 cháu bị bỏng nặng.
Ngày 15/8, Công an tỉnh Hà Nam khởi tố tội giết người với Nguyễn Trường Giang (25 tuổi, trú tại Chính lý, Lý Nhân, Hà Nam) vì đã hành hạ, đánh đập rồi nhốt bé trai N.H.Đ (3 tuổi ở xã Nhân Chính) vào tủ cấp đông nhằm cướp đi mạng sống của bé.
Ngày 3/8, tỉnh Bình Phước đã thông tin về trường hợp bé gái 7 tuổi xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, bị cha dượng và mẹ ruột bạo hành với nhiều vết thương trên người...
2 bé ở Hà Giang bị bỏng nặng do chú họ hành hạ |
“Mỏm nổi của tảng băng chìm” – nhiều vụ bị che đậy bởi các thế lực
Trao đổi với PV KH&ĐS về vấn đề này, BS Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục Trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (BVTE) cho biết, con số báo cáo của Bộ LĐTBXH và báo chí phản ánh hàng năm chưa phản ánh đúng thực tế vấn đề BHTE. Theo tôi mới chỉ là mỏm nổi của tảng băng, phần chìm bên dưới là cả 1 khối lượng lớn, do chúng ta hiện còn thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công tác xã hội (CTXH) và CTV BVTE ở cộng đồng, thiếu kỹ năng thống kê, ghi chép số liệu và báo cáo trung thực các vụ việc xảy ra. Thực tế còn nhiều vụ bị che đậy bởi các thế lực có tiền mua chuộc sự im lặng hoặc có quyền đe dọa không dám bộc lộ.
BS An phân tích, BVTE là phải tập trung vào khâu phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, không để sự việc bạo lực xảy ra. Thực tế Luật pháp nhà nước có giao nhiệm vụ cho 17 cơ quan có trách nhiệm BVTE, có điều quy định ưu tiên vào cấp độ 1 trong hệ thống BVTE đó là phòng ngừa. Nhưng chúng ta thấy khâu phòng ngừa rất kém, nhiều vụ BHTE nghiêm trọng không được phát hiện sớm, chỉ đến khi trẻ phải đi cấp cứu hoặc đã bị tử vong rồi chính quyền mới biết.
Tại tổng đài BVTE 111, mỗi tháng trung bình các tư vấn viên nhận 30.000 cuộc gọi liên quan đến bạo lực trẻ em trong các gia đình, cả đánh đập và bạo hành tinh thần. Riêng trong năm 2011, số cuộc gọi tăng lên 40.000 – 50.000 cuộc mỗi tháng vì đây là thời điểm nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, trẻ hầu hết ở trong nhà với người thân.
*Nguồn: Tổng đài BVTE 111
Đặc biệt, theo quy định của Luật Trẻ em 2016, bạo hành bao gồm mọi hành vi ngược đãi, hành hạ, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Bạo hành về thể chất gây ra những tổn thương về thể xác, sưng tấy, phù nề, chảy máu, gẫy dập xương đều có thể xác định, đánh giá được.
Tuy nhiên, các loại bạo hành về tinh thần, tâm lý, tình cảm đang được coi là vấn đề cốt lõi của tất cả các loại hình lạm dụng, bạo lực trẻ em đang xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau như sỉ nhục, chửi rủa, bỏ bê, sao nhãng…nhưng hiện tại có rất ít cơ sở y tế có đủ trình độ và khả năng xác định, đánh giá được vì chưa có đủ phương tiện và thang phân loại để đánh giá tổn thương. Loại hình bạo lực này là cội nguồn của sự rối loạn tâm lý, rối nhiễu tâm trí và sức khỏe tinh thần dẫn đến tự thương, tự tử và tâm thần.
Do vậy, muốn giải quyết được vấn đề này chúng ta phải thực hiện nghiêm và ngay điều 47, 48 đã được quy định trong Luật Trẻ em 2016 – Kiện toàn hệ thống BVTE 3 cấp độ, ưu tiên tập trung Cấp độ Phòng ngừa, cần thiết phải có một mạng lưới nhân viên CTXH, CTV BVTE tại cộng đồng. Đội ngũ này có được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ này, hiện tại Việt Nam ta còn đang bị thiếu hụt đội ngũ này.
Bé trai bị nhốt trong tủ đông ở Nam Định |
Còn nếu đã tới cấp độ 2, khi vụ việc đã xảy ra, trẻ em đang bị bạo lực, xâm hại thì phải thông báo, tố giác với các cơ quan có trách nhiệm can thiệp ngay, giải thoát trẻ ra khỏi nguy cơ để bảo đảm sự an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, công tác này chúng ta cũng chưa làm tốt, do vậy hầu hết các vụ BHTE trong nhiều năm qua, khi phát hiện thì đã xảy ra rồi, trẻ đã bị xâm hại hoặc bị tử vong rồi. Lúc đó chúng ta có những động tác lên tiếng xót thương, thăm viếng, an ủi đều là quá muộn.
17 cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa bảo vệ được trẻ em
Trả lời câu hỏi tại sao chúng ta có tới 17 cơ quan có trách nhiệm và luật trẻ em nhưng vẫn để tình trạng BHTE xảy ra, BS An cho biết,chúng ta đã có quy định của Luật pháp, tuy nhiên Luật Trẻ em 2016 chỉ là dạng Luật khung, mọi chế tài răn đe, trừng phạt đều phải viện dẫn bởi Luật hình sự và các luật liên quan. Trong khi trong Luật hình sự mới chỉ quy định xử phạt được các loại bạo lực gây tổn thương về thể chất mà không có điều khoản, chế tài xử phạt nào về bạo lực tinh thần, tâm lý tình cảm.
Theo tôi, để ngăn chặn nạn BHTE thì việc cần thiết và có tác dụng cốt lõi đầu tiên đó là tăng cường giáo dục gia đình và sớm kiện toàn mạng lưới nhân viên CTXH BVTE ở cộng đồng như những nước văn minh đã và đang thực hiện. Đội ngũ này không những làm nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục kiến thức, kỹ năng cho các bậc cha mẹ về bảo vệ chăm sóc trẻ em và phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em mà còn làm nhiệm vụ phát hiện sớm, kịp thời tư vấn, ngăn chặn phòng ngừa không để các vụ việc BHTE xảy ra.
Bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu |
Tiếp đến là cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi hoàn thiện khung Luật pháp về BVTE, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hệ thống quản lý nhà nước về trẻ em.
Đặc biệt, cần bổ sung thêm điều khoản “Lồng ghép cơ chế giám sát độc lập chất lượng thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam vào cấu trúc vận hành hệ thống giám sát hiện hành” tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi hoặc tội phạm bị che dấu. Cuối cùng là sự đảm bảo thực thi luật pháp nghiêm minh và bình đẳng, bất kể ai có hành vi BHTE, vi phạm pháp luật đều phải nghiêm trị.
Chỉ cần có một tấm lòng thật tâm yêu trẻ, một ý thức trách nhiệm công dân… sẽ không khó để nhận ra trẻ cần được cứu trước khi quá muộn.