Hỏi: Có nghiên cứu nào về các loài hoang dã suy giảm ra sao, loài nào có khả năng tuyệt chủng không?
Trần Quỳnh Nga (Hà Nội)
Ông Đoàn Văn Nhanh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Tràm Chim: Đến thời điểm này, số lượng chim ở Vườn Quốc gia Tràm Chim giảm rất nhiều. Nếu như năm 1988, sếu đầu đỏ – một loài đặc hữu trong Sách Đỏ có hơn 1.000 con thì đến năm 2019 chỉ còn khoảng 9 con và năm 2020 thì không còn con sếu nào về. Dù là khu ramsar thứ 2.000 của thế giới và đang được bảo tồn đa dạng sinh học nhưng sự cạn kiệt hệ động thực vật ở đây đang diễn ra. An Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh từng một thời gây “sốt” với sự xuất hiện của cá basa nhưng nay loài cá da trơn này trong tự nhiên cũng dần hiếm. Nhiều loài chim trời không chỉ giảm ở vùng nuôi tôm mà vùng chuyên canh cây lúa cũng không tránh khỏi hoàn cảnh tương tự do nguồn thức ăn bị cạn kiệt và một phần vì bị săn bắt ngày đêm. Hầu như địa phương nào cũng có bán chim trời làm thức ăn. Nếu không có những biện pháp bảo vệ hữu hiệu cũng như xử lý mạnh tay đối với những kẻ săn bắt chim trời thì tương lai không xa những loài này sẽ biến mất.