Hỏi: Trong gia đình tôi có bà tôi bị bướu giáp, gần đây lại phát hiện bác tôi cũng bị. Xin hỏi bướu giáp hay bướu giáp nhân có nguy hiểm không? Tại sao có nhiều người mắc bệnh này, liệu có phải do môi trường sống?
Nguyễn Việt Nga (Hải Phòng)
PGS.TS.BS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa cho biết, bướu giáp nhân là tổn thương dạng khối nằm trong tuyến giáp, được phân loại thành nhân lành tính và ác tính, trong đó đa số trường hợp là nhân lành tính. Bướu giáp có nguyên nhân sâu xa là rối loạn hệ miễn dịch. Một người có thể bị bệnh này từ khi mới sinh hoặc xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời. Lứa tuổi thường gặp nhất là từ 30 đến 55 tuổi. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh thường gặp là chế độ ăn uống thiếu Iốt. Về giới tính, do sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể nên phụ nữ thường dễ mắc các bệnh liên quan tới tự miễn hơn nam giới, do đó nữ dễ bị rối loạn tuyến giáp và phát triển thành bướu giáp cao gấp 5 lần.
Khi bị bướu tuyến giáp không nên quá lo lắng và không cần phải phẫu thuật ngay nếu không ảnh hưởng tới các chức năng, các bộ phận khác của cơ thể, không có nguy cơ gây ung thư và không phải do tự miễn gây ra. Khi phát hiện u tuyến giáp, bệnh nhân chỉ cần sinh thiết, nếu lành tính thì không cần phẫu thuật mà cần theo dõi, điều trị nội khoa.