Bù nước - vũ khí quan trọng
Bệnh nhân F0 dễ bị mất nước và rối loạn điện giải do nhiều lý do từ sốt, ho đến nôn ói, tiêu chảy, chán ăn. Ngoài ra, trong cơ chế sinh bệnh của Covid-19, người bệnh cũng có tình trạng mất nước và hạ natri máu do hội chứng rối loạn nội tiết tố chống bài niệu. Mất nước và rối loạn điện giải (giảm natri và kali) cũng thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, nhứt đầu làm người bệnh lầm tưởng tình trạng bệnh nặng hay suy hô hấp. Bên cạnh đó, uống đủ nước cũng giúp làm loãng đàm trong đường hô hấp. Do đó, bù đủ nước là một biện pháp quan trọng ở bệnh nhân F0 tại nhà.
Hiệp hội Nuôi ăn Tĩnh mạch và Tiêu hóa Mỹ (ASPEN) còn gọi việc bù đủ nước và ăn uống đầy đủ là những vũ khí quan trọng cho người mắc bệnh đang theo điều trị tại nhà. Người bệnh nên được hướng dẫn uống nước thường xuyên. Cách mỗi 15 phút, uống 50 - 100ml nước. Nước có thể là nước lọc, nước trái cây hoặc dung dịch bù nước điện giải (loại dành cho người tiêu chảy, còn gọi là nước Oresol, hay nước thể thao dành cho vận động viên thể thao uống bù nước trong thi đấu, hoặc có thể đơn giản là pha nước chanh muối).
Ngoài năng lượng cho hoạt động hằng ngày, cơ thể người bệnh còn cần thêm năng lượng để chống chọi với bệnh tật. Do đó, về ăn uống thì theo chế độ ăn giàu protein và năng lượng. Ngoài bữa ăn chính, thì người bệnh cần thêm 2 - 3 bữa ăn phụ giàu protein và năng lượng. Thức ăn phụ có thể là trứng luộc, sữa các loại, phô mai, sữa chua, đậu hạt các loại (đậu phộng, hạt điều…), trái cây các loại, nước ép trái cây, bánh các loại.
Người bệnh nên thường xuyên theo dõi cân nặng để nhận biết sớm tình trạng sụt cân do thiếu nước hay sụt cân do giảm khối cơ và mỡ do bữa ăn không đáp ứng đủ năng lượng.
Khắc phục tình trạng mất vị giác
Mất vị giác là một triệu chứng đặc trưng của bệnh này, chiếm 60 - 70% người mắc bệnh Covid-19. Do đó, triệu chứng này thường được sử dụng như triệu chứng sàng lọc, nhận biết và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý đường hô hấp khác.
Mất mùi và vị thường không gây nguy hiểm cho người bệnh ngoại trừ những bất tiện trong cuộc sống và chế độ ăn làm cho người bệnh ăn kém ngon.
Để khắc phục vấn đề này, người bệnh được khuyến khích sử dụng thêm các loại rau mùi, gia vị cho món ăn đặc biệt là chanh, trang trí món ăn đẹp mắt (ăn bằng mắt), sử dụng thêm nước sốt cho món ăn để thức ăn phân bố đều trong khoang miệng và dễ cảm nhận mùi vị và dễ nhai nuốt, sử dụng thức ăn mát hay lạnh có thể giúp người bệnh có khẩu vị tốt hơn.
Triệu chứng thường không kéo dài. Nghiên cứu cho thấy phần lớn (70 - 80%) hồi phục mùi và vị trong vòng 1 tháng sau bệnh. Tuy nhiên, cũng có một tỷ lệ nhỏ người bệnh bị vị giác kéo dài và thỉnh thoảng có người lại khai báo có phát sinh cảm giác mùi vị lạ (thường là mùi hôi). Mất mùi kéo dài có thể gây ra một số bất tiện cho người bệnh trong cuộc sống như không thể cảm nhận mùi ôi thiu của thực phẩm hay không phát hiện được mùi khói do cháy. Hiện giờ việc điều trị mất mùi mãn tính do Covid-19 cũng còn hạn chế. Một trong những biện pháp giúp người bệnh hồi phục mùi là luyện tập ngửi mùi lại bằng cách sử dụng các mùi vị phổ biến thường gặp trước đây ví dụ mùi nước hoa, mùi trái cây, dầu xanh… Kỹ thuật này sử dụng 4 mùi thông dụng mà bạn ưu thích rồi tập ngửi vài lần trong ngày, mỗi lần 20 giây là được.
TS.BS Trần Quốc Cường (giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM)