BOT: Từ siêu lợi ích đến siêu rủi ro, "món ngon" giờ là trái phiếu

Dù chiếm tổng dư nợ không cao như các ngành nghề khác, nhưng ngân hàng Nhà nước liên tục phát đi cảnh báo gửi đến các ngân hàng thương mại về nợ xấu BOT.

Siêu rủi ro

Tại Báo cáo số 09/BC-UBKT15, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội một lần nữa phải lưu ý lưu ý nợ xấu dự án BOT.

Theo Ủy ban Kinh tế, hiện tại, nợ xấu tín dụng của các dự án BOT, BT giao thông là 2.116 tỷ đồng, chiếm 1,95% tổng dự nợ của nền kinh tế, giảm so với cuối năm 2020.

Mặc dù chiếm tỉ lệ thấp, nhưng nó chưa phản ánh chất lượng nợ, do nợ nhóm 2 là 5.912 tỷ đồng, chiếm 5,48%.

Hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính. Các ngân hàng đã phải cơ cấu lại nợ đối với nhiều dự án.

Sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, thì chất lượng nợ đang phải đối mặt với khả năng nợ xấu tăng lên.

Còn theo các ngân hàng, dù dư nợ cho lĩnh vực BOT giao thông so với tổng dư nợ của nền kinh tế chỉ khoảng hơn 1%, rất thấp so với lĩnh vực khác, nhưng nó luôn bị xếp vào nhóm có độ rủi ro cao. Ngân hàng thận trọng khi thu xếp tín dụng cho các dự án BOT.

Ngay với các dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được cập nhật nhiều cơ chế mới của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cũng bị ngân hàng xếp vào nhóm nợ không an toàn.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do Covid-19 kéo dài, các tỉnh thành phố liên tục thực hiện dãn cách đã khiến cho doanh thu liên tục tụt giảm. Doanh nghiệp không đủ trả nợ gốc và lãi vay khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng thua lỗ kéo dài.

Điển hình như Công ty CP Tasco - một trong những doanh nghiệp BOT mạnh nhất hiện nay - nhưng đã báo lỗ 5 quý liên tiếp.

Hiện tại, Tasco đang có tổng nợ vay ngân hàng lên tới con số hơn 5.300 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong nửa đầu năm đã lên tới con số hơn 166 tỷ đồng và ước tính sẽ là hơn 330 tỷ cho cả năm 2021.

Doanh thu của Tasco phần lớn phụ thuộc vào hoạt động thu phí đường bộ, vì thế, dự báo doanh thu tài chính năm 2021 sẽ lỗ sâu nhất trong vài năm trở lại đây.

Tương tự, tại Công ty CP BOT Thái Hà - chủ dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng - kể từ khi đủ điều kiện để tổ chức thu phí hoàn vốn, doanh nghiệp gần như chỉ “ngồi chơi, ngắm xe chạy”, ghi nhận lỗ từ thời điểm đó đến nay.

Tính đến hết ngày 30/6/2021, doanh nghiệp vẫn còn nợ dài hạn hơn 972 tỷ đồng tại VietinBank chi nhánh Hà Nam.

Đại diện một ngân hàng thương mại đã từng đi đầu về cho vay các dự án BOT cho hay, có dự án lúc đầu nhận được rất nhiều kỳ vọng từ phía nhà đầu tư và ngân hàng cho vay về khả năng sinh lời.

Tuy nhiên, vì một lượng lớn phương tiện liên tục né trạm nên doanh thu chỉ bằng 40% phương án tài chính ban đầu. Sau đó, một dự án ODA chạy song song nên doanh thu còn tụt thê thảm hơn nữa.

Siêu lợi ích

Phải thừa nhận thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo đối với các ngân hàng thương mại về cho vay dự án BOT. 

Cũng đã từng có thời, các dự án BOT, đặc biệt BOT giao thông, đã tạo cơn sốt tài trợ từ các ngân hàng.

Cho đến nay, sau ít nhất 5 năm việc thu phí BOT đã tạo phản ứng dữ dội người xã hội, các cơ quan quản lý đồng thời siết chặt kiểm soát lợi ích chủ đầu tư, thì cơn sốt BOT mới có thời gian để... nguội. 

Tất nhiên, không cần suy luận để có thể hiểu, nếu không thu lợi lớn, các dự án BOT không thể được ngân hàng hăm hở tài trợ. 

Tức là, việc ngân hàng hạn chế cho vay BOT hiện nay cũng có nghĩa lợi ích từ các dự án này không đủ hấp dẫn trước nguy cơ rủi ro an toàn vốn mà chủ đầu tư và ngân hàng đối diện.

Thực tế này khá tương đồng với diễn biến với cơn sốt trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang diễn ra hiện nay.

Theo ADB, tính đến hết tháng 6/2021, tổng dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam tương đương khoảng 22,8% GDP; trong đó, trái phiếu doanh nghiệp có quy mô khoảng 5,2% GDP.

Còn theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tăng gần gấp đôi, khoảng 44,6% GDP. Trong đó, riêng trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 13,9%.

Như mọi khi, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng thường xuyên lên tiếng cảnh báo về xu hướng các ngân hàng đầu tư quá mức vào trái phiếu doanh nghiệp, hay mua chéo trái phiếu bất động sản của nhau. 

Thực tế là sau 2 lần Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đóng vai trò chính trong sửa cơ chế trái phiếu, với các điều kiện ngày càng siết chặt hơn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng phát triển, với tổng quy mô lên tới nhiều triệu tỷ đồng.

Quy tắc kinh doanh thông thường có thể hiểu ngay, nếu không có lợi ích hấp dẫn hơn nghiệp vụ huy động và cho vay thông thường, thì trái phiếu doanh nghiệp khó có thể thu hút ngân hàng đến thế.

Và do vậy, cũng có thể đặt vấn đề bao giờ Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính báo cáo về cách quản lý, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Báo cáo ấy, nếu có, liệu có tương đồng được với những gì đã báo cáo về tài chính của các dự án BOT hay không ? 

Theo Đời sống
back to top