Bài thuốc không rõ nguồn gốc
Chồng chị Phạm Thanh Hương, ở 40 Võ Thị Sáu, Hà Nội bị bệnh hôi nách từ thời còn trẻ. Cơ thể quá nặng mùi của chồng nhiều khi làm chị Hương thấy ái ngại với bạn bè. Được một người bạn khuyên dùng kê, muối, chanh chữa trị cho chồng, chị Hương nhiệt tình nghiên cứu làm theo. Đọc một vòng tài liệu trên mạng không thấy có hướng dẫn chi tiết tỷ lệ bài thuốc như thế nào nên chị Hương quyết định tự mầy mò. Chị liền mua hạt kê đỏ về rửa sạch, để cả vỏ xay thành bột mịn. Một bát con bột kê, chị Hương trộn thêm 1 thìa cà phê muối và hai thìa nước cốt chanh tươi, 2 thìa cà phê nước lã, thành một hỗn hợp sệt, đắp vào hai bên nách cho chồng.
Ảnh minh họa.
Lần đầu đắp 15 phút, thấy hỗn hợp khô rời, rơi ra bẩn, có vẻ không hiệu quả nên chị Hương chuyển sang dùng loại bột kê bỏ vỏ. Ngay sau khi đắp, nách chồng chị Hương có đỡ mùi, khô ráo hơn một chút nên hai vợ chồng bảo nhau kiên trì làm. Tối nào chị Hương cũng dùng bột kê đắp nách cho chồng. Đến nay đã được một tháng mà vẫn không thấy bay hết mùi cơ thể, vùng da dưới nách chồng chị Hương có nổi mụn nhỏ li ti, đầu mụn có mủ. Chị Hương đưa chồng đi khám da liễu thì được bác sĩ cho biết, chồng chị bị viêm da mủ do tụ cầu, viêm nang lông do đắp bột kê và vệ sinh chưa đúng cách.
BS Phạm Thị Hương, Khoa da liễu, Bệnh viện Việt Pháp cho biết, vùng da dưới nách là vùng da nhạy cảm có chức năng bài tiết mồ hôi điều hòa thân nhiệt, thải trừ cặn bã độc hại gồm urat, acid lactic, muối vô cơ… Tùy theo cơ địa, thời tiết (nóng, lạnh), tâm lý (căng thẳng), vị giác (ăn uống chất cay nóng), chế độ sinh hoạt (lao động nặng, nhẹ)… mà mồ hôi dưới nách tăng tiết bã nhờn, nhiều chất độc hại hay nặng mùi. Việc đắp kê với chanh, muối như vợ chồng chị Hương có thể gây ra tình trạng rối loạn tiết bã nhờn, thêm vi khuẩn gây nặng mùi, viêm da.
Không có tác dụng
Ths Nguyễn Thị Tuyết Lan, nguyên Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cũng cho rằng, trong bột kê có chứa nhiều protein, một lượng cao chất xơ, vitamin và nhiều axit amin, khoáng chất… cũng có tác dụng dưỡng da. Tuy nhiên, chỉ có tác dụng dưỡng da cho vùng da sạch. Da vùng nách nhạy cảm với nhiều tuyến mồ hôi, tích tụ vi khuẩn, nếu không vệ sinh kỹ, cộng với các axit amin trong kê có thể hoạt hóa sự lên men, tăng vi khuẩn, nhiễm khuẩn. Muối và chanh có tính sát khuẩn nhưng nếu cho tỷ lệ không hợp lý, lại trộn vào bột thì không có tác dụng.
Chanh và muối là hai vị thuốc dân gian thường được dùng phối hợp trong bài thuốc chữa hôi nách.
Cũng theo Ths Nguyễn Thị Tuyết Lan, Đông y cho rằng hôi nách sinh ra là do tỳ hư thấp trệ, muốn chữa trị phải khắc phục hiện tượng tỳ hư. Hầu hết những phương pháp hay bài thuốc trị hôi nách dân gian hiện nay đều là những sản phẩm được bào chế từ những nguyên liệu thiên nhiên như: Phèn chua, mướp đắng, chanh, muối, trầu không… có công dụng khử mùi, sát khuẩn nhẹ, chỉ có tác dụng với những người hôi nách ở mức độ nhẹ. Một số kết hợp khác dùng hoắc hương, khô phàn, hoạt thạch… hợp thành phương thuốc hương dược phối hợp với các vị khai khiếu táo thấp tẩy uế khí, giảm tiết mồ hôi nách, giảm mùi nhưng cũng không thể chữa triệt để.
Để giảm mùi hôi nách, cần hạn chế ăn cay nóng, chất kích thích để giảm tiết mồ hôi và vệ sinh thường xuyên, mặc đồ khô thoáng để giảm số lượng vi khuẩn bám vào cơ thể. Nếu bị hôi nách nhẹ chỉ cần giữ vệ sinh vùng nách, tắm rửa thường xuyên và áp dụng mẹo dân gian (dùng chanh tươi, gừng, lá trầu không hay phèn chua…). Trường hợp bệnh nặng nên đi khám da liễu để bác sỹ có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.
Đức Vinh